21/08/2019
Tháng bảy dương lịch hàng năm vào tháng sáu ta âm lịch thời tiết ở Bắc bộ nắng nóng như đổ lửa, đã vậy lại càng nóng thêm vì không khí của mùa thi đại học, cao đẳng. Sau hơn mười năm đèn sách, các cô, các cậu tú khăn gói từ khắp các miền quê về Hà Nội dự thi, đường đông, đất chật, chỉ người nhìn người đã thấy nóng thêm. Qua hai đợt, mỗi đợt hai ngày thi thố tài năng, tất cả lại trở về và mong chờ kết quả. Người học rồi ra trường thì nhiều nhưng công việc thì chưa đáp ứng bao nhiêu, vì vậy cứ mỗi đợt tuyển sinh thì lại có một đợt kỹ sư, cử nhân mới ra trường. Để giúp cho các tân kỹ sư có được việc làm và cũng giúp cho doanh nghiệp tuyển dụng được cán bộ tài năng, trường mà Quang đã từng học trước đây năm nay tổ chức hội chợ sinh viên và giấy mời được gửi cho các doanh nghiệp, công ty và các Bộ, Ngành. Là cán bộ phụ trách tổ chức, Quang được giao nhiệm vụ đi dự hội chợ và tìm kiếm tuyển dụng một vài kỹ sư giỏi cho những công việc đang cần. Vì là chỗ quen biết nên các hồ sơ xin tuyển dụng được chuyển cho Quang tha hồ chọn, trong khi đọc lướt các hồ sơ Quang chú ý đến hai bộ hồ sơ một nam, một nữ. Ngành của Quang là công nghiệp khai thác mỏ trên diện rộng trải ra trên nhiều tỉnh trong nước và nước ngoài nên cần những cán bộ là nam giới để bố trí đi công tác được dễ nên Quang chọn bộ hồ sơ của một nam kỹ sư trước. Đọc hết hồ sơ, bảng điểm, lời phê và nhận xét của trường về cậu kỹ sư trẻ, Quang thấy tất cả đều tốt không thể chê được một điểm nào, hầu hết các môn thi đều đạt điểm chín và mười. Bằng tốt nghiệp đạt loại giỏi, một bộ hồ sơ xin tuyển dụng không thể nào hoàn thiện hơn được. Quang và các cán bộ cùng đi hội ý và làm thủ tục tuyển dụng luôn. Thời gian nghỉ trưa tại trường để buổi chiều còn tham gia một cuộc hội thảo, quá tò mò với bộ hồ sơ Quang mang ra đọc. Lướt qua phần lý lịch cứ mỗi dòng mắt Quang cứ như bị hút hồn, và đây nữa tại sao bố của cậu ta lại trùng tên, trùng tuổi của mình, phần quê quán của bố chỉ ghi một dòng là Hà Nội ! Sau hội thảo, buổi chiều Quang và cộng sự tranh thủ gặp và phỏng vấn đối tượng tuyển. Trước mắt Quang tất cả mọi người đều không ai không thể không ngạc nhiên trước một con người giống Quang như tạc, một bản sao không sai chi tiết nào ! Không ai bảo ai nhưng tất cả mọi người trong đoàn người nào cũng tự đặt câu hỏi tại sao lại có hai người ở hai vùng quê khác nhau một già một trẻ mà lại giống nhau đến thế?…
Ngược dòng thời gian, bước chân vào học ở trường Đại học mỏ- địa chất vào những năm đất nước vô cùng khó khăn vì vừa mới trải qua cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử lại bị cấm vận kinh tế từ nhiều phía. Khi ra trường thì đất nước đã và đang bước vào giai đoạn đổi mới, với tấm bằng kỹ sư địa chất trong tay Quang được nhận vào làm việc ở một đơn vị thăm dò tài nguyên vùng Việt Bắc. Những ngày tháng đầu đi theo Đội thăm dò số hai lang thang hết khu mỏ này đến vùng đất khác, ở đâu lâu lắm cũng chỉ dăm ba tháng rồi lại khăn gói lên đường. Thời gian và tuổi trẻ gắn liền với những điểm quặng được đánh dấu trên bản đồ và vị trí của những lỗ khoan cùng những mẫu đá quặng, than, sắt, đồng, chì, nhôm, thiếc…Rừng xanh, núi đỏ và thượng nguồn của những con sông, suối đã trở thành nơi tá túc của Quang và đồng đội. Anh em trong đơn vị hầu hết là công nhân lâu năm, đội trưởng là một cán bộ kỹ thuật trung cấp có nhiều kinh nghiệm, ông là người có sức khỏe phi thường, làm việc xốc vác, miệng nói tay làm. Những cái cột tó bằng ống thép to và nặng, cả những chiếc pa lăng đầy những ròng rọc và dây xích sắt với sức của thanh niên như Quang thì ba người nhấc không được mà với ông cứ vác đi băng băng. Anh em công nhân thì ai cũng chịu khó, nhìn ông mà làm, bình thường ai cũng nói ít chỉ có ông đội trưởng thì luôn luôn nói cười theo kiểu người của biển “ ăn sóng, nói gió” có lần ông khoe : Quê ông ở vùng biển Thanh Hóa nên có tật nói to, nói nhỏ nhẹ không chịu được. Khi bắt đầu vào làm việc, ai vào việc ấy, tất cả mọi công đoạn khoan, lắp đặt máy móc đều trở thành thói quen, chỉ khi hệ thống thiết bị vận hành an toàn và chạy đều thì mọi chuyện công tư mới trở nên rôm rả. Là kỹ sư duy nhất của đội lại vừa học xong năm năm ở trường, cái gì với Quang cũng lạ lẫm, bỡ ngỡ. Sinh ra trong một gia đình nền nếp, tiếp thu sự giáo dục cẩn thận của cha mẹ, Quang làm gì cũng thận trọng, quan hệ với anh em vui vẻ và lễ phép. Là người quê gốc ở xứ Đoài cách nội thành Hà Nội chừng mười lăm cây số đường chim bay, nhìn bề ngoài Quang được công nhận là xinh trai, trắng trẻo, tóc hơi quăn, môi đỏ, có chiều cao vào loại lý tưởng một mét bảy mươi lăm. Ham học hỏi lại có tình yêu với văn chương, thơ, ca, nhạc, họa … mặc dù học kỹ thuật nhưng văn nói và viết của Quang thường được mọi người khen là hay, gọn ghẽ, khúc triết. Ai có việc gì phải viết như đơn xin nghỉ phép, nghỉ việc riêng, viết phong bì thư gửi cho vợ, hoặc viết thiếp mời cưới, trang trí báo tường, viết thông báo… vv được giao việc gì, hoặc ai nhờ những việc liên quan đến chữ nghĩa Quang đều giúp tất. Những lúc rảnh rỗi Quang lại làm thơ đọc cho mọi người nghe và sau đó gửi đăng báo. Có nhiều bài thơ tình đọc ở công trường trong giờ giải lao cho các bạn công nhân trẻ, nghe xong nhiều người khen hay, vỗ tay đôm đốp, riêng ông đội trưởng nhận xét: “Thơ cậu cũng nghe được nhưng vẫn còn mùi vị của giai cấp tiểu tư sản”? Trong một lần về tỉnh dự cuộc họp cộng tác viên của báo, gặp mấy người cũng từng học đại học mỏ- địa chất nhưng người thì làm về môi trường, người làm địa chính, người khác thì lại làm bên an toàn bảo hộ lao động. Họ cũng giống như Quang cũng viết văn, làm báo, làm cả nhạc và thơ nữa. Quang được mời thay mặt mọi người đọc một bài phát biểu ngắn sau khi nhận giải thưởng báo chí trao cho người viết trẻ không chuyên. Bức ảnh được chụp và đăng báo ra sau ngày hội nghị.
Những ngày lang thang ở rừng đội địa chất cắm trại gần bên bờ suối, sau những ngày làm việc vất vả, những ngày nghỉ cuối tuần thì ai cũng có việc riêng. Những bác công nhân lớn tuổi thì chuẩn bị hành trang gọn gàng, sắp xếp tiền lương, tiền thưởng để chuẩn bị gửi về cho vợ con ở quê, ông đội trưởng thì ghi nhật ký, hoàn thiện sổ sách. Mấy anh công nhân chưa vợ thì ngồi tán gẫu lung tung, nói hết chuyện hay rồi đến chuyện dở, nói phét lác ra trò. Có những chuyện mà nghe họ kể đến hàng chục lượt được bịa đặt thêm thắt chi tiết nghe vẫn cứ như mới, vui. Kể chuyện chán rồi gây sự cãi nhau mệt thì lăn ra ngủ, khi dậy lại coi như không có chuyện gì xẩy ra.
Quang nghĩ: Cái nghề địa chất này gian khổ thế mà không vui thì sống sao được !? Bên kia bờ suối cách lán địa chất của Quang độ chừng hơn một giờ đi bộ có một xóm lâm trường, gọi là lâm trường nhưng chỉ có độ vài chục gia đình trong một đội làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và trồng mới bổ sung cho rừng đầu nguồn. Đất rộng nên các công nhân và cán bộ đều làm nhà riêng để ở, nhà ai cũng chỉ có tranh tre, nứa lá vây quanh, nhà nào tốt hơn thì được làm khung gỗ, tường được trát đất dứng đơn sơ, đồ đạc chẳng có gì đáng giá. Đặc biệt nhà ai cũng có được mảnh vườn trồng đủ các loại rau, nuôi thêm gà, vịt, do ở xa trung tâm thị xã, thị trấn nên ai cũng có tư tưởng tự sản tự tiêu. Chỉ có những dịp nghỉ Tết, nghỉ Quốc khánh họ mới rủ nhau về thị trấn huyện mua sắm vài loại vật dụng cần thiết như quần, áo, bột ngọt, đôi ba cái xoong nồi, dăm ba cái cuốc, xẻng. Ngày chủ nhật nghỉ chả biết đi đâu, Quang lại lang thang lên rừng, qua khu nhà ở của đội trồng rừng một con dốc cao là đến một khu rừng nứa, do ít người qua lại nên thấy động lại có hơi người nên lũ vắt cứ nháo lên, lũ vắt xanh nhảy chuyền từ cành cây xuống, lũ vắt nâu nhẹ nhàng bò từ dưới đất lên, chúng lao vào Quang. Do chưa có kinh nghiệm đi rừng nên chỉ khi bị vắt xanh cắn ngứa chỗ nào thì gỡ bỏ, còn vắt nâu cắn êm lắm, không đau, không ngứa. Trở ra cửa rừng Quang thấy người mệt lả lại cứ thấy ươn ướt ở ống quần bên phải nhìn xuống thì thấy máu chảy ướt đẫm cả quần và giày, Quang lảo đảo ra bờ suối rửa chân thì thấy một con vắt nâu hút no máu và rơi xuống chỗ giây buộc giày. Tháo giày để rửa chân, chỗ vắt cắn máu vẫn cứ chảy không cầm được, hoảng quá không biết lấy gì để cầm máu đây? Vừa lúc đó có một cô gái lâm trường đi qua, nhìn thấy Quang hốt hoảng cô bảo: “ Cậu cứ bình tĩnh, tôi cho cậu cái này dán vào là cầm máu ngay”. Tưởng thuốc gì, hóa ra là một mẩu lá nón cô bóc ở chiếc nón đang đội bảo Quang dán vào chỗ vết cắn, lạ thật máu cầm ngay không chảy nữa. Quang líu ríu cảm ơn mà không biết nên gọi là bạn hay là chị. Vừa buồn cười lại vừa lạ lẫm, ở vùng này rất hiếm đàn ông mà lại gặp được một chàng trai đẹp như thiên thần ở trước mặt, da trắng, môi đỏ, trán đầy mồ hôi, chiếc áo vải xoa đang mặc cũng ướt đẫm, mặt hơi bị tái đi vì mệt và mất máu. Lần đầu tiên được đứng gần một thanh niên cao to, nhưng mặt thì vẫn còn non choẹt, cô gái cảm thấy có một thứ mùi ai ai, nồng nồng, một thứ mùi khó tả. Có phải chăng đó là hương vị đặc trưng của đàn ông ở vào giai đoạn trưởng thành ?
Cô gái bảo : Nhà tôi ở gần đây, bạn vào mà nghỉ tạm hết mệt rồi về !
Hết phần 1
Truyện dài kỳ của Nguyễn Quang Tình