Điểm dừng tiếp theo

Ông bạn tôi về cuối đời cũng lại gặp được tý may, căn nhà ở bé tý tèo tẹo, đám bạn văn chương và báo chí bảo: Nhà cửa gì mà chỉ bằng chỗ chó chui, đường đi vào thì bẩn mặt đường sứt sẹo lại chật hẹp, dây điện chăng như mạng nhện, chả có ai muốn đến mà nói cho cùng thì lão là người hiếu khách nhưng tịnh qua nhiều năm không thấy mời ai đến nhà. Cái tý may nói trên là thành  phố lại mở con đường đôi đi qua khu nhà của lão, có đường nên lại có ngay cái tuyến xe buýt chạy qua, thật đúng là “nhất cử, lưỡng tiện”. Cũng vì có điểm đỗ xe nên nhân ngày nghỉ, tôi tự nhiên thấy buồn và chả có chỗ nào chơi, nhất thời dửng mỡ thế nào mà lại đi bộ ra bến lên xe số 61 “ngự” ngay ghế đầu thẳng tiến đến nhà ông bạn, qua siêu thị gần ngã tư loa đài ghi âm tự động ở trong xe phát thông báo “điểm dừng tiếp theo” thế là tôi xuống hỏi thăm. Gặp nhau, sau chén chè Thái, tôi chủ động: Này ông! Hôm trước ông cho tôi đọc gần mười câu chuyện về “điểm dừng” vậy hôm nay ông cho tôi đọc tiếp cái gì vậy? 
     –    Ông thủng thẳng: Điểm dừng tiếp theo! 
–    Tôi cười! ông chỉ đùa, sao mà dừng lắm thế ?
–    Sao lại đùa? nghiêm túc chứ! Khi đã nói về điểm dừng thì đùa sao được?
–    Vậy à! Thế thì ông cho tôi đọc tiếp chủ đề của ông đã viết đi!
–    Đây! Ông đọc tại chỗ hay là mang tập này về nhà mà đọc tiếp và cho ý kiến để tôi hoàn thiện nhé!
Mang cả tập bản thảo của ông ra về, tôi đóng cửa ngồi một mình để đọc. Những chuyện tiếp theo của ông bạn viết lại là như thế này:
Câu chuyện thứ nhất : Ông Đoàn Trần là học sinh giỏi cấp II và III ở trường huyện, thuộc trấn Sơn Nam(cũ) được chọn cử đi học nước ngoài về rồi làm cán bộ kỹ thuật, làm quản lý rồi làm lãnh đạo doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn, rồi rất lớn. Phàm đã làm cán bộ quản lý nhất là giám đốc doanh nghiệp thì có bổng, lộc và lương cao hơn mọi người thuộc quyền là cái chắc. Nhưng ông cũng rất biết lo cho cấp dưới, lo cho công nhân trong doanh nghiệp ông phụ trách, ông chăm việc phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh ra nhiều ngành nghề. Cái được cũng nhiều nhưng cái thất bại cũng không phải là ít, một phần do hoàn cảnh, do cơ chế, do cả thiên thời, địa lợi…Rất nhiều người mang ơn ông, vì ý tưởng của ông mà nhiều người mua được đất, làm được nhà, từ ngoại thành vào được nội thành sinh sống và làm việc. Nhiều nhà hợp lý hóa gia đình tập trung về một chỗ, con cái được học hành đúng tuyến… Trong con mắt của nhiều người, ông là một người được coi là tử tế, nhưng cuộc đời ông mắc phải cái tội :Giỏi hơn người khác và hay đi trước thời đại, ông cũng biết “điểm dừng” nhưng hơi buồn vì nhiều người không hiểu được cái tâm của ông. Cũng có người biết nhưng họ không  biểu cảm và cũng có thể không dám thể hiện vì còn phải giữ mình. Riêng tôi hiểu ông, tôi bảo: Anh là người rất hạnh phúc. Ông nhìn tôi ? Anh hạnh phúc ở chỗ: Vợ chồng sức khỏe, các con ngoan ngoãn biết làm ăn, con cái tuy có một bề nhưng đã có cả cháu gái và trai, cuộc đời thế là nhất! Ông cười …
Câu chuyện thứ hai: Ông Quý Nguyễn là một người may mắn, sinh ra chỉ để làm cán bộ mà lại toàn là cấp trưởng. Học đại học làm lớp trưởng, vào bộ đội được cử ngay làm Tiểu đội trưởng, về doanh nghiệp làm quản đốc, rồi giám đốc từ nhà máy đến Công ty. Người to lớn, mệnh hỏa. Có người nịnh bảo ông “được cả tinh lẫn tướng”. Có chức, quyền lại là người biết làm kinh tế nên ông rất giầu. Nhưng khi còn đương chức, ông giầu nhưng ông không tham, mỗi khi được cấp trên thưởng về việc điều hành sản xuất kinh doanh tốt, ông lại chia số tiền thưởng cho các cộng sự. Anh trưởng phòng lao động tiền lương nói: Đấy là tiền thưởng của riêng anh thì anh được hưởng, nếu muốn thưởng cho cấp dưới thì anh ký quyết định lấy quỹ thưởng để chi. Ông bảo: Tôi hoàn thành được việc lớn là do tham mưu và giúp việc, tôi trả ơn họ chứ không phải ban phát lấy lòng. Mọi người biết tấm lòng của tôi thì họ sẽ cố gắng hết mình vì công việc, tất cả sẽ cùng được hưởng lợi. Trong thời gian ông làm lãnh đạo, từ nhân viên tạp vụ đến cán bộ cấp phó của ông, người nào ông cũng quan tâm thăm hỏi, tăng lương và động viên rất kịp thời. Tính của ông rất hiếu thắng nhưng ông cũng là người rất giầu tình cảm. Cái đận một số công nhân do vi phạm quy trình vận hành thiết bị, tai nạn và phải từ biệt cuộc sống trong khi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi thấy ông rất đau lòng, mỗi khi vào thăm người bị nạn nằm điều trị, ông lại khóc. Lúc vĩnh biệt người quá cố, ông đọc lời điếu  trong đó có đoạn  “Các ông, các bà đã tin tưởng giao con cháu cho tôi để tôi lo công ăn, việc làm cho các cháu. Nhưng tôi là người có lỗi là không giữ được các cháu và không chữa nổi bệnh cho các cháu, mong các ông, bà và gia đình hãy tha lỗi cho tôi…” ông nói xong rồi òa khóc nức nở như mất chính người thân của mình vậy. Sau đó các gia đình vẫn tin ông, gửi tiếp các con cháu vào làm việc trong nhà máy, tuy biết rằng nơi đó rất vất vả và nguy hiểm, nhưng họ quý ông và các đồng nghiệp của ông.
Ông có may mắn là đi từ đầu đến cuối, sự thăng trầm thì có nhưng hoạn nạn thì không. Nghỉ hưu vui vẻ, tiền tiêu rủng rỉnh, từ ngày rời ghế đến nay đã sáu, bảy năm mà đi đến đâu cũng có người chào hỏi. Cứ ở đâu có tiệc, người ta xếp hàng để chờ đến lượt mình nâng chén chúc sức khỏe ông. Những tưởng làm cán bộ mà được như ông là một điều mơ ước của bao người !!!

Câu chuyện thứ ba: Ông Tuấn Nguyên là một người thầy giáo dạy giỏi, học xong ở trường chuyên nghiệp vì là học sinh giỏi nên ông được chọn cử làm giáo viên dạy nghề. Vừa dạy học vừa làm thêm đủ các nghề khác như: sửa radio (đài bán dẫn) lắp máy, điện, nước, khi đất nước phát triển nhiều người sắm được ô tô riêng, thế là ông đi học thêm nghề sửa chữa điện ô tô…Từ việc sáng tác văn, thơ, ca khúc, viết kịch bản văn học và dàn dựng các chương trình văn nghệ đến việc chụp ảnh và quay phim chẳng có việc gì ông không làm được, mà chẳng những đã biết làm mà lại còn làm rất tốt. Vậy nhưng cái tốt của ông luôn bị lợi dụng và nó còn làm hại ông. Rất nhiều người là học trò được ông dạy nghề đã trở thành người giầu có, nghề nghiệp phát triển và cứ thế đi lên, có người nhờ ông vẽ cho các thiết kế và bản vẽ mà bảo vệ thành công xuất sắc các đồ án, luận án …Các chương trình sự kiện do ông đạo diễn được giải cao ở các cuộc thi ngành, thi tỉnh. Vừa làm cán bộ giảng dạy vừa làm phong trào, khi được chọn cử đi thi giáo viên dạy giỏi ông tiến một lèo từ cấp trường lên tỉnh, rồi khu vực đến toàn quốc. Điểm thi chỉ kém một người ở đơn vị đăng cai có 0,015 điểm là giải nhất cả nước. Nhưng xem ra cuộc đời và số phận nó không mỉm cười với ông. Do ông có nhiều tài nên nhiều người không ưa, thậm chí còn ghen với ông, họ tìm mọi cách để nói xấu và hạ uy tín của ông. Lúc thì bảo ông là hay quan hệ “nam-nữ bất chính”, khi khác lại nói ông “ tự cao, tự đại” hoặc là hay “coi thường lãnh đạo” … vv. Suốt mấy đời lãnh đạo, ông chẳng hề được quan tâm, nhà cửa không được cấp, hàng phân phối thời bao cấp khó đến được tay  ông… nói chung là khổ. Vậy mà ông cũng chẳng thèm để ý, có lúc gặp tôi ông bảo:  “Mình làm thầy giáo đi dạy người, chỉ cần học trò biết cho tấm lòng của mình là được, còn cấp trên nhìn nhận thế nào là quyền của họ, mình không chấp mà giả dụ có muốn chấp cũng chả được vì có quyền thế gì mà chấp?”. Đủ năm, tháng ông về quê nghỉ hưu, lãnh đạo mới lại có lời mời ông làm cố vấn và dạy thêm một thời gian, ông nhớ trường, nhớ học trò, thế là ông lại đi làm thêm hơn 2 năm nữa. Cách đây hơn một năm, ông điện cho tôi bảo: Mình đã già phải nghỉ thôi, có  tiếc cũng không làm được nữa, về quê rồi, bây giờ sống tự do và ung dung, hơn 40 năm học tập và công tác cũng chỉ như một chuyến đi dài và đã đến điểm kết thúc!

Câu chuyện thứ tư!  Ông Phú Võ là một người thông minh, thức thời cái gì ông cũng biết. Ở bộ đội xuất ngũ ông đi học chuyên nghiệp rồi được điều về doanh nghiệp Nhà nước làm nhân viên từ văn phòng đến thống kê. Ông khôn hơn người ở chỗ, cứ nơi nào là cơ sở mới thành lập có khó khăn là ông xin xung phong đến đó, từ rừng núi đến các vùng sâu, xa ông đều không ngại. Có học lại thông minh nên ông lần lượt được đề cử làm lãnh đạo từ thấp đến cao. Xuất phát điểm từ tầng lớp bình dân, lại am hiểu mọi ngóc ngách của cuộc sống nên ông luôn điều chỉnh được mình. Những năm cuối của quá trình công tác, ông chậm chân một tý nên cái chức giám đốc không vào được tay ông. Trên điều người khác về thay người đã quá cố, không muốn làm cấp phó nữa, vậy là ông lại xin đi đến một đơn vị mới thành lập để làm cấp trưởng. Ông năng động xoay sở, đưa xí nghiệp lần lượt vượt qua khó khăn, rồi cổ phần hóa doanh nghiệp đó ông cũng là người có nhiều cổ phiếu nhất. Giỏi cũng khổ chứ không được sướng, lại có người kèn cựa, nói xấu tìm mọi cách để đẩy ông đi. Cực chẳng đã, người lãnh đạo cấp trên đương nhiệm cũng không ưa ông bởi trước đây ông đã thân với người tiền nhiệm của tổng giám đốc hiện tại. Bè cánh lại được hình thành, ông Võ không đấu nổi, ông đành rời ghế mà đã mất nhiều công tạo dựng cho người khác. Về cơ quan cấp trên nhận chức mới, tuy thu nhập không cao nhưng an nhàn hơn. Ông cũng có cái may và cái không may, may vì trước đây theo bạn bè ông đã khai tăng tuổi để được nhận bằng cấp III khi xung phong vào bộ đội mà không phải thi tốt nghiệp. Vậy là ông được nghỉ hưu sớm trước 3 năm so với tuổi chính thức. Đã vậy khi có thông báo của cơ quan yêu cầu sắp xếp công việc chuẩn bị nghỉ, ông có đơn xin nghỉ trước 6 tháng và làm ngay thủ tục bàn giao nhiệm vụ cho người cấp phó kế nhiệm. Lúc ông nhận sổ, nhiều người bảo là ông ngu, người ta đang làm hồ sơ lại để giảm tuổi mà mình lại tăng tuổi, khi còn đương chức không chịu sửa lý lịch, mỗi năm nghỉ trước mất toi mấy trăm triệu! Khi chào tôi để về nghỉ hưu, tôi hỏi chuyện, ông bảo: “Tôi thấy mình thế là khôn rồi, lộc hưởng thế là đủ, biết bao nhiêu cho vừa! Có phải của ông, của cha để lại cho mình đâu mà tiếc. Lộc của trời đừng có tham, để cho mỗi người hưởng một chút chứ”!?

Câu chuyện thứ năm! Bà Hương Bùi là một phụ nữ cá tính, từ công nhân rồi đi học và trưởng thành lên làm cán bộ, tính tình vui vẻ, xởi lởi lại thông minh nhanh nhẹn, chịu khó học hỏi và cầu tiến bộ. Duyên dáng, nữ tính nhưng điều đặc biệt ở bà không có việc hóng hớt, buôn cắp chuyện hoặc nói xấu lẫn nhau… mà nhiều những người phụ nữ khác hay mắc phải. Bà làm việc chăm chỉ, biết lo cho người khác, khi làm cán bộ lãnh đạo bà luôn luôn quan tâm và bảo vệ những người mà bà cho là họ bị “thấp kém” hơn mình. Mặc dù cuộc sống và hoàn cảnh gia đình riêng không được may mắn lắm nhưng không vì thế mà vun vén hoặc ích kỷ. Ở bà ai cũng thấy bà sống vô tư hết mình vì việc chung, xử sự và quan hệ trên dưới một cách hài hòa, nói năng khiêm tốn và vẫn mang đậm tính của nông thôn “làng – xã”. Qua mấy chục năm công tác, khi đến tuổi nghỉ hưu, nhiều người là bạn cả cấp trên, dưới và ngang cấp đều cảm thấy hụt hẫng, chia tay có nhiều cuộc, cả tập thể lớn và những tập thể nhỏ, đã có những giọt nước mắt thể hiện  nỗi buồn cũng như sự tiếc nuối một con người luôn sống và làm việc hết lòng vì mọi người. Khi bà đến chào tạm biệt, tôi bảo: Làm một cán bộ nữ như bà trong thời buổi này quả là hiếm, song cũng mong có người theo gương của bà để cho các chị em và cả các anh trong cơ quan sống cho đẹp… 

Câu chuyện thứ sáu: Ông Lê Son học nghề xây dựng nên về cơ quan làm chuyên về đầu tư và dự án, những năm cuối đời cũng có được cái chức trưởng phòng. Ông có tác phong cần cù, mẫn cán của một công chức kiểu thời Tây, đi làm lúc nào quần áo, giầy mũ sạch sẽ nghiêm chỉnh. Đi làm buổi sáng bất kể thời tiết dù mưa, gió, giá rét, sấm chớp ông đều đến văn phòng trước giờ quy định, ông hướng dẫn những cán bộ cấp dưới và những nhân viên mới đến nhận việc một cách tận tình và chu đáo. Những việc tạp vụ như đun nước, rửa ấm chén, quét nhà, lau cửa sổ ông đều tham gia làm. Ở ông không có sự to tiếng, quát nạt hoặc mắng mỏ nhân viên cùng cán bộ dưới quyền, ông lo việc lương, thưởng cùng thu nhập cho cấp dưới, những cái gì có lợi cho nhân viên thì ông hết sức bảo vệ và nhường nhịn. Việc nhà ông đã có bà vợ đảm đang nhận làm tất, vậy nên việc cơ quan ông cứ tập trung để làm việc hết mình. Đã có nhiều thế hệ lãnh đạo đều tin tưởng giao việc cho ông bởi tin ông ở sự mẫn cán, tận tâm. Vậy mà khi về nghỉ hưu ông lại mắc phải bệnh nghề nghiệp, hàng sáng ông vẫn thức dậy rất đúng giờ, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, chỉnh trang đầu tóc, lấy cái cặp đựng tài liệu quen thuộc và lên xe ra khỏi nhà để đến cơ quan. Đến văn phòng, chỗ ngồi, cái ghế, bàn làm việc trước kia thuộc về ông nay đã có người thay thế, ông buồn nhìn vào rồi lại lặng lẽ ra về. Thấy ông như vậy nhiều người cho là ông bị bệnh, rồi cũng chả ai thèm quan tâm, lần đầu còn có đôi ba người mời ông  vào uống nước, sau rồi họ chả muốn nhìn đến ông, cái vị trưởng phòng đã hết thời, hết quyền và cũng hết cả cái sự được chăm lo cho người khác. Dạo này nghe nói ông đã yếu, nhưng đã hơn mười năm ông vẫn cứ dậy đúng giờ, vẫn giữ nếp sinh hoạt đã cũ. Tôi là hàng xóm của ông, thấy thế tôi có nói chuyện với bạn bè, mọi người bảo: Bây giờ vô khối người mắc phải cái bệnh ấy, đâu chỉ có bạn ông! Bệnh “công chức, viên chức”! Vậy còn rất may cho ông tuy “ mắc bệnh” nhưng là bệnh “ lành tính” ông vẫn là một người tốt để nhiều người nhìn, trông mà học tập được khối điều !!! 

Câu chuyện thứ bảy: Ông Văn Nguyện là một thợ sửa chữa có tay nghề giỏi, thời bao cấp đi làm trong mỏ, tính ông hơi ương ngạnh nên một số cán bộ từ tổ trưởng trở lên không ưa ông, một số kéo bè cánh để làm khổ ông. Thợ giỏi mà đến hơn 20 năm ông không được nâng bậc, vẫn chỉ là anh thợ bậc 2 trên 7. Vào thời kỳ đổi mới, lớp cán bộ cũ dần dần được thay thế, có người nhận ra cái tài ở ông, ông Nguyện được cử đi nước ngoài học tập, về đơn vị ông lại lao vào làm, bấy giờ những danh hiệu thi đua mới đến được với ông. Vào thời kỳ đổi mới thấy mình đã lớn tuổi, ông rời vị trí để nhường chỗ cho lớp thợ mới đã được ông đào tạo. Ông về nghỉ hưu trước tuổi 2 năm, cái tính chăm làm và yêu nghề lại trỗi dậy trong ông, Nhà nước không còn cấm công dân làm kinh tế ngoài quốc doanh. Vậy là ông cùng con trai mở xưởng sửa chữa thiết bị máy mỏ và ô tô, do ông làm tốt và có uy tín nên không bao giờ hết việc, thợ mới ở mỏ nếu yếu tay nghề lại tìm đến chỗ ông, ông dạy bảo nghề miễn phí và vẫn trả lương. Số phận cuối đời cứ mỉm cười với ông, xưởng cơ khí của ông to nhất cả vùng. Con trai ông còn mở thêm dịch vụ cứu hộ ô tô trên khắp địa bàn vùng Việt Bắc. Việc làm và tiền bạc thu nhập của ông và gia đình liên tục tăng lên theo thời gian. Cứ mỗi lần có dịp tôi đến thăm ông, nhìn quanh khu nhà ông ở ( nhà dạng biệt thự riêng, xây cao, trang thiết bị trong nhà rất đẹp, sang trọng và hiện đại). Bên cạnh đó là những cán bộ đã từng là giám đốc, kế toán trưởng, quản đốc cũ của ông vẫn đều ở mức “khiêm tốn”, đồ dùng như xe máy, ti vi, tủ lạnh đều đã thuộc loại đồ cổ vẫn như ngày còn đương chức bởi họ không muốn và có muốn cũng chả “đổi mới” được như ông! Ông bảo với tôi: Anh có được bà vợ tốt, các con ngoan và biết nghe lời, anh chả có thù oán với ai, những người quyết hại anh thì hầu hết đã đi xa cả rồi. Hồi xưa ấy anh em, đồng nghiệp tuy bản chất họ không ác, nhưng là do hoàn cảnh nên họ đối xử tệ với mình, nhưng mình không trách ai! Bây giờ anh vẫn muốn làm việc và thích giao lưu. Tiền của không thiếu nhưng sợ nhất là thiếu bạn bè và những người tri kỷ. Nếu chú thấy em hay cháu nào không có việc muốn học nghề đến đây anh dạy để làm phúc !  

Câu chuyện thứ tám. Ông Quang Trần là một cán bộ thông minh, ham học hỏi, từ khi thoát ly gia đình đi học chuyên nghiệp rồi làm nhân viên lên cán bộ ông cứ từ từ mà tiến chả có ai nâng đỡ kèm cặp, phải tự học mà đi lên. Tình tình thẳng thắn và trung thực nên mặc dù không có “điểm tựa” và “ đòn bẩy” nhưng do cơ chế thay đổi ông cũng có ghế ngồi đàng hoàng, tuy không ở vị trí quan trọng và cũng không phải là nơi có nhiều bổng lộc. Mấy chục năm kinh qua nhiều địa điểm và chỗ ngồi, cũng có vài vị lãnh đạo cấp trên không ưa gì ông bởi ông không biết nịnh, chỉ biết việc làm là chính và chuyên môn là đầu, nên họ vẫn dùng ông. Xuất thân từ công nhân và nhân viên đi lên nên ông rất giỏi nghề, cái gì ông cũng học và làm được. Từ việc dọn vệ sinh, thông tắc cống rãnh, sửa chữa đồ điện gia dụng, xe đạp, xe máy đến thiết kế công trình nhà cửa, đồ gỗ… việc gì ông cũng làm và còn làm tốt nữa là đằng khác. Tính tình xởi lởi lại hay giúp đỡ người khác, ông có mối quan hệ rộng, chuẩn bị đến kỳ nghỉ hưu tôi thấy có rất nhiều cơ quan và cả địa phương để mắt đến ông. Địa phương đã nhắm ông về làm tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ rồi ban công tác mặt trận ở phường. Một số cơ quan báo chí thì mời ông cộng tác bài vở, biên tập, trình bày, sắp xếp nội dung… Hôm vừa rồi gặp tôi ở cổng cơ quan lúc chiều muộn, tôi hỏi: Sao ông chưa nghỉ hẳn mà đã có lắm lời mời thế, người ta biết ông hay ông tự PR( quảng cáo) cho mình mà nhiều chỗ ngồi chờ sẵn cho ông  thế?
– Ông bảo lại: Này ông! Cả cuộc đời của tôi, chỉ nghe được câu nói “phải”.Tất cả những người đã là cấp trên của tôi đã bảo tôi: Phải thế này, phải thế kia, phải làm, phải nghe, phải viết, phải cười, phải khen, phải chê…theo cái lẽ phải của kẻ bề trên, nói tựu chung là rất nhiều cái “ phải”. Nay đã đến lúc nghỉ thì cũng muốn dành lại cho mình tý “phải” chứ? Chả ra oai được với ai thì nói với vợ và con, cháu. Cũng bảo chúng “phải, phải và rất nhiều cái phải… cho đỡ bức xúc và giải tỏa đi cái “chịu phải” mấy chục năm ròng! Cuộc đời đến điểm cuối mà cũng có nhiều cái hay ông ạ, may là trời vẫn thương cho được cái sức lực còn tương đối khỏe. Sướng nhất là được tự do, việc đi, lại, ăn, ngủ do mình quyết định, không bị áp lực, chẳng phải thăm dò thái độ của cấp trên, không sợ trù úm hay mất quyền lợi. Mà về già thì sống và hành động bằng con người thật, chứ không phải là “đồ giả” nữa. Không ngờ đến cuối cuộc đời mà vẫn có được cái may mắn để tận hưởng niềm vui và sống bằng “ bộ mặt thật” của chính mình lúc về già!!!

Câu chuyện thứ chín!  Giáo sư Nguyên làm cán bộ lãnh đạo một trường Đại học danh tiếng đã nghỉ hưu được dăm năm. Vóc dáng to cao, phong cách lịch lãm, đúng là một mẫu mực của cán bộ Nhà nước. Về với địa phương, sinh hoạt cùng với tổ dân phố với đủ thành phần và nhiều vấn đề phức tạp, nhà lại ở gần một khu chợ cóc, âm thanh buổi sáng đủ kiểu tạp âm hỗn độn. Tiếng người chào  hỏi, mua bán, tiếng mắng mỏ cùng với tiếng hát rất lạc lõng vô duyên ở mấy quán ka ra ô kê tràn cả vào nhà ông. Ông cùng với bà vợ cũng là một cán bộ cấp cao của Bộ cũng nghỉ chế độ trước ông, cả hai người đều sống rất vui vẻ và hòa đồng, nhà ai có việc vui, việc buồn ông và bà đều thăm hỏi và sẵn sàng giúp đỡ. Có một điều thật đáng quý, ông bà đi đâu về hoặc khi ra đường gặp ai trong khu tập thể ông bà đều chào hỏi rất thân tình. Tôi thường xuyên đi làm qua cửa nhà ông, mới nhìn thấy định cất tiếng chào thì ông đã hỏi trước! Thấy các cháu học sinh đi học về ông cũng cất tiếng hỏi: “Các cháu đi học về đấy à?”.Có người đi tìm địa chỉ nhà người quen hỏi thăm ở các tổ thuộc khu dân cư, ông đưa đi tìm cho bằng được. Mọi cuộc họp của tổ dân phố ông đều đến dự và khi được hỏi ý kiến, ông góp ý rất chân thành và khiêm nhường nên ai cũng quý mến ông. Là một người hàng xóm với gia đình giáo sư, tôi luôn cảm phục và thầm tự học ông, có lúc lại tự mình nghĩ: Một con người có học hàm, học vị cao thuộc vào lớp người “ đức cao – vọng trọng” mà sao ông giáo sư lại khiêm tốn và bình dân như thế, thời buổi này những người như ông thật là quý – hiếm!!!

     Đọc xong chín câu chuyện của ông bạn, tôi cũng suy nghĩ nhiều nhưng do kiến  thức thì có hạn, năng khiếu thì chả có, cũng muốn nói muốn viết để trao đổi và tranh luận với ông bạn một vài điều nhưng tôi không làm nổi. 
Mấy hôm sau mang trả lại những câu chuyện của ông. 

– Tôi lại bảo: Này ông ạ! Đọc những điều và những con người ông kể, tôi thấy cuộc đời này bên cạnh những điều không hay, không tốt. Những sự việc đáng buồn mà báo chí và dư luận đã đăng tải thời gian vừa qua đã làm cho xã hội phải bội thực thì vẫn còn có nhiều người tốt! Họ về nghỉ nhưng bản chất và cách sống nhân văn bình dị mà cao cả vẫn nhiều, xã hội ta vẫn còn có bao điều phải suy nghĩ và đánh giá về nhân cách, nhìn chung vẫn có nhiều điểm để lạc quan và tin tưởng. Tôi là người ít học và lười đọc sách nên suy nghĩ và nói năng nông cạn, ông có gì bổ sung thêm không? 
– Ấy chết! Ông đừng có nói thế ! Tôi vẫn thường tâm sự với ông là, tôi không phải là người có tài cán, mẫu mực gì. Chẳng qua là một anh kỹ sư loại thường, cạnh việc làm hàng ngày có tập tẹ đọc vài cuốn sách, tự học thêm một chút kiến thức ngoài xã hội và nhìn cuộc đời từ nhiều phía lại trải qua mấy chục năm làm việc nên có gì thì trao đổi với bạn bè, nhằm giải tỏa đôi ba điều mà chả biết tâm sự cùng ai. Nói về cuộc đời thì ai cũng có một số phận, không cần biết là ông có phải là người giỏi về tư duy triết học, tôn giáo, tâm lý, tâm linh, hiểu biết nhiều về đạo Lão – Khổng – Mạnh… hoặc lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học, duy vật biện chứng… Tôi chỉ muốn nói là: Nếu trong số phận riêng của mỗi người mà có được sự mỉm cười thì niềm vui và hạnh phúc sẽ đến với họ, còn ngược lại thì sẽ  là sự đau buồn và bất hạnh, thậm chí còn đi đến  tận cùng của sự khổ đau mà không có ai gánh đỡ nổi. Đó là luật “nhân-quả”! Có rất nhiều người biết, mà cứ biết rồi lại để đấy, không tự điều chỉnh nổi mình chỉ vì sự ham muốn danh – lợi đã làm cho mờ mắt.Vậy nên ngay từ bây giờ cả tôi và ông, ta cùng nhau cố gắng để làm lấy một vài điều có thể tạm gọi là tốt, nhằm tích lấy tý đức cho con, cháu, mong cho mọi sự may mắn và tốt lành sẽ đến với mọi người. Chỉ có được như vậy thì trong khoảng thời gian chưa phải là điểm cuối cuộc đời của tôi và ông người ta mới cho là còn đáng sống!!!

 Hà Nội ngày cuối thu, đầu đông Giáp Ngọ
                                                      31/10/2014 ( mồng 7 tháng Chín nhuận)

                                                                               Nguyễn Quang Tình

Tin liên quan
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
THÔNG TIN CHỨNG KHOÁN