Tổ chức tham quan những di tích, địa danh lịch sử để học tập những tấm gương chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc  triển khai đợt 2 “Học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh” và thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc về việc “ Tổ chức tham quan những di tích, địa danh lịch sử để học tập những tấm gương chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc” Trong những ngày cuối tháng 5 năm 2013, Đoàn cán bộ Ban chấp hành Đảng ủy Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc cùng đoàn cán bộ lãnh đạo thường trực Đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội do đồng chí Bùi Trần Đông – Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc và đồng chí Nguyễn Đức Hưng – Bí thư Đảng ủy Khối công nghiệp Hà Nội dẫn đầu đã tổ chức chuyến công tác đi thăm huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là một địa danh lịch sử cách mạng của cả nước.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Đảo Phú Quốc nằm ở vị trí trong  khu vực vịnh Thái Lan thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thị trấn Dương Đông là thủ phủ của đảo cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Về đặc điểm, đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất ở Việt Nam, là hòn đảo lớn nhất trong số 22 hòn đảo của huyện Phú Quốc, tài nguyên thiên nhiên phong phú, giầu tiềm năng cho phát triển du lịch. Huyện đảo bao gồm 22 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 573 km2, dài hơn 50 km, nơi rộng nhất là là 25 km ( phía bắc đảo). Địa hình rất độc đáo chạy dài từ  Nam đến Bắc đảo, chập chùng với 99 ngọn đồi núi lớn nhỏ. Dân cư sinh sống trên đảo đến nay khoảng trên 100 nghìn người. Ở đây ngoài núi, đồi còn có đồng bằng, rừng tự nhiên rộng 37.000 ha với nhiều loại gỗ quý và chim, thú. Trong những ngày đi tham quan và học tập tại đây Đoàn đã đến thăm các di tịch lịch sử như hệ thống nhà tù của bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng bọn ngụy quyền Sài Gòn đã xây dựng để giam giữ và tra tấn hết sức dã man trên 40 nghìn chiến sỹ cách mạng của cả nước bị địch bắt giam và tù đày tại nơi đây.

Những công cụ và loại hình tra tấn người tù cách mạng vô cùng tàn ác và rất dã man hơn cả thời trung cổ đã được tái hiện bằng mô hình bảo quản tại bảo tàng. Qua giới thiệu tất cả thành viên trong đoàn cũng đã được biết tinh thần đấu tranh anh dũng và vô cùng quyết liệt với sự hy sinh to lớn của nhiều thế hệ chiến sỹ cách mạng bị giam cầm tù đầy  tại hệ thống nhà tù trên đảo. Trong điều kiện bị đối xử, tra tấn rất ác nghiệt, song các chiến sỹ cách mạng đã được Đảng giáo dục và rèn  luyện đã luôn luôn đoàn kết bên nhau, tìm mọi biện pháp đấu tranh với kẻ địch, trong đó có cả việc đào hầm bí mật trong nhà tù để tìm cách vượt ngục ra ngoài tiếp tục chiến đấu. Những tấm gương dũng cảm và sự hy sinh to lớn chẳng tiếc tính mạng, máu xương của mình để hiến dâng cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, họ đã chiến đấu và hy sinh quên mình vì mục tiêu đưa dân tộc thoát khỏi sự nô lệ và ách ngoại xâm của bọn thực dân, đế quốc. Chỉ có đến đây để tận mắt chứng kiến sự hy sinh to lớn của các chiến sỹ cách mạng mới thấy hết được cái giá phải trả cho nền tự do độc lập của dân tộc to lớn biết chừng nào. Cũng qua đây mới thấy hết được trách nhiệm của mỗi người đang được sống và hưởng thụ thành quả của hòa bình hôm nay, để từ đó trong mỗi người tự hiểu biết và trang  bị cho mình kỹ năng sống và làm việc như thế nào để xứng đáng với những cống hiến vô giá của những người chiến sỹ cách mạng và gia đình của họ. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống  thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thời gian đất nước đã độc lập  thống nhất và hòa bình cũng đã đi qua gần 40 năm, quá khứ hào hùng của cuộc đấu tranh cách mạng đã lùi vào quá khứ. Đảng và Nhà nước đã và đang đầu tư nhiều công trình xây dựng Phú Quốc trở thành một huyện đảo hòa bình và trong tương lai sẽ là một đặc khu kinh tế, đồng thời cũng là là nơi nghiên cứu, học tập tinh thần đấu tranh cách mạng của các chiến sỹ cách mạng bị tù đày trong kháng chiến


Đến với Phú Quốc hôm nay, những ai được chứng kiến sẽ không bao giờ quên được lịch sử hào hùng của các thế hệ cha, anh, song nhìn về tương lai sẽ thấy mảnh đất này ngày càng có tương lai phát triển về kinh tế và du lịch, bởi Phú Quốc được mệnh danh là đảo ngọc bởi sự giầu có của thiên nhiên và tiềm năng du lịch phong phú, với một vùng đất lạ với những cánh rừng nguyên sinh có nhiều loại gỗ quý ( chủ yếu tập trung phía đông bắc đảo). Viền quanh đảo còn có nhiều bãi tắm rất đẹp như bãi Trường, bãi Sao, bãi Kem, ghềnh Dầu, rạch Tràm… Du khách có thể tắm biển, đi câu cá ngoài đảo nhỏ. Đặc sản nổi tiếng ở đây là nước mắm Phú Quốc, hương vị đặc trưng được chế biến từ loại cá cơm đặc biệt, có độ đạm cao, mỗi năm người dân trên đảo có thể sản xuất được khoảng 6 triệu lít. Ngoài khơi biển Phú Quốc có rất nhiều tôm, cua, cá… Phú Quốc có trên 2.000 tầu đánh cá, sản lượng đánh bắt hàng năm khoảng gần 40.000 tấn cá. Phú Quốc có các cảng An Thới, cảng Hòn Thơm là nơi cập bến của tầu bè trong nước và quốc tế để giao lưu trao đổi hàng hóa. Ngoài di tích cách mạng còn có các di tích lịch sử như khu căn cứ của người anh hùng, lãnh tụ phong trào chống Pháp- Nguyễn Trung Trực thế kỷ 19. Đảo còn là  nơi tham quan nghỉ dưỡng vì khí hậu ở đây rất mát mẻ, gió quanh năm, nước ngọt trên đảo rất dồi dào, cây cối xanh tươi. Nhà nước đang đầu tư xây dựng một con đường cao tốc suốt chiều dài từ phía Bắc đến phía Nam khoảng gần 60 km. Đến Phú Quốc bằng đường bay thẳng từ Hà Nội khoảng 2 giờ, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 phút, từ thị xã Rạch Giá hết 40 phút. Nếu đi bằng tầu biển từ thị xã Hà Tiên đến đảo hết khoảng 8 giờ là ra đến Phú Quốc. Sau mấy ngày thăm đảo, trở lại đất liền mỗi người đều mang theo một tâm trạng, song qua đây đã học tập và tìm hiểu được rất nhiều điều mà có những việc  cả cuộc đời này học vẫn không thể hết. Là thành viên trong đoàn công tác, tôi viết những dòng  này ra đây để bạn đọc cùng tham khảo và mong muốn cũng có một ngày các bạn sẽ được ra thăm đảo để chứng kiến thêm những sự đổi thay trên hòn đảo ngọc mang tên Phú Quốc. 
                             
                          Ghi chép ở Phú Quốc ngày 24 – 26  tháng 5 năm 2013
                                           Bài và ảnh của Nguyễn Quang

Tin liên quan
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
THÔNG TIN CHỨNG KHOÁN