Những chặng đường xây dựng và phát triển

Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc-TKV được thành lập ngày 01/7/1980 theo Quyết định số 42 ĐT/TCCB ngày 17 tháng 6 năm 1980 của Bộ trưởng Bộ Điện và Than trên cơ sở hợp nhất Công ty xây lắp I Đông Anh và Mỏ than Bắc Thái, Công ty được mang tên Công ty than III. Thực hiện nghị định số 388/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 19/6/1993 Bộ trưởng Bộ Năng lượng ban hành Quyết định sô 356 NL/TCCB-LĐ thành lập lại và đổi tên Công ty than III thành Công ty than Nội Địa. Ngày 25 tháng 11 năm 2005 Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 3883/QĐ-BCN chuyển Công ty than Nội Địa thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con. Ngày 08 tháng 11 năm 2006 Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam ra Quyết định số 2460/QĐ-HĐQT đổi tên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Than Nội Địa thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp mỏ Việt Bắc- TKV. Như vậy trải qua 30 năm xây dựng, đi lên từ trong khó khăn gian khổ, cán bộ công nhân trong toàn công ty đã đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng và phát triển công ty ngày càng lớn mạnh và liên tục phát triển. Khi mới thành lập, trụ sở ban đầu của Công ty được đóng trên địa bàn thôn Kính Nỗ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tháng 4 năm 1992 Công ty chuyển về trụ sở mới ở số nhà 30B phố Đoàn Thị Điểm, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Cuối năm 2005 Công ty chuyển trụ sở về số 01 phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. 
Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc-TKV từ ngày thành lập đến nay đã có 5 thế hệ cán bộ lãnh đạo :  Người giám đốc đầu tiên là ông Nguyễn Châu ( 1980-1991), tiếp theo là kỹ sư Đoàn Văn Kiển ( 1992-1994). Tháng 9/1994 ông Đoàn Văn Kiển được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty than Việt Nam, kỹ sư Lê Kim Bảng được bổ nhiệm làm giám đốc. Tháng 6/1999 ông Lê Kim Bảng được bổ nhiệm làm ủy viên Hội đồng quản trị Tổng công ty than Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Văn Quế được bổ nhiệm làm giám đốc từ tháng 6/1999 đến tháng 12/2005, sau đó được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng quản trị đến tháng 6/2008. Từ tháng 01/2006 kỹ sư Đào Hữu Tu được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc công ty từ tháng 01/2006, và từ tháng 12/2009 được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty.
Trải qua ba thập kỷ, đi qua hai thế kỷ với biết bao khó khăn gian khổ với những chặng đường nhiều thử thách cam go. Song được kế thừa truyền thống công nhân ngành than với khẩu hiệu “ Kỷ luật và đồng tâm” từng khó khăn đã lần lượt được vượt qua và Công ty đã trưởng thành và lớn mạnh như ngày hôm nay.
Với 30 năm xây dựng và trưởng thành, có thể tóm tắt theo 3 thời kỳ cơ bản như sau:
1-Giai đoạn từ 1980 đến 1990. Đây là thời kỳ khai thác than còn đang nằm trong giai đoạn cải tạo mỏ Núi Hồng, Na Dương, Làng Cẩm. Cả 3 mỏ được Chính phủ và nhân dân Liên Xô giúp đỡ trang bị thiết bị. Chính phủ Liên Xô đã cử nhiều chuyên gia giỏi sang giúp đỡ và hướng dẫn cán bộ công nhân quản lý vận hành và công nghệ khai thác. Năm 1992 mỏ than Làng Cẩm vừa hoàn thành việc xây dựng mỏ thì Chính phủ quyết định giao cho Công ty gang thép Thái nguyên quản lý. Các mỏ khác còn lại vừa nằm trong hoàn cảnh vừa sản xuất và cải tạo mở rộng. (Khánh Hòa, Nông Sơn). Thời kỳ này hàng loạt các xí nghiệp xây lắp như : Xây lắp Đông Anh, Xây lắp Bắc thái, Xây lắp Na Dương, Xây lắp Làng Cẩm, xây lắp I Đồng Giao, Xí nghiệp Gỗ Phổ yên,…đã tham gia xây dựng hàng loạt công trình công nghiệp và dân dụng. Trường Công nhân kỹ thuật xây dựng đã tham gia đào tạo hàng chục nghìn công nhân cung cấp cho ngành xây dựng mỏ và xây dựng công nghiệp. Các công trình mỏ lần lượt ra đời như mỏ than Làng Cẩm, Núi Hồng, Na Dương, Khánh Hòa và các công trình nhà ở, chung cư cao tầng … Cũng trong thời kỳ này Xí nghiệp dịch vụ thương mại Hải Phòng thuộc Công ty đã làm tốt việc cung cấp toàn bộ lương thực, thực phẩm cho ngành than và hiện nay Xí nghiệp đã trưởng thành một Công ty lớn của ngành than – khoáng sản. Sản lượng than ở các mỏ không lớn và sản xuất chủ yếu theo mệnh lệnh. Năm 1980 công ty mới khai thác và sản xuất được 85.000 tấn than, bóc đất đá 143.000 m3. Đến năm 1990 sản lượng than được nâng lên 446.000 tấn, bóc đất đá 1.260.000 m3.Thời kỳ này có thể nói là cực kỳ khó khăn, song với sự chèo lái, sự tận tâm hết mình của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Công ty vẫn giữ vững ổn định với sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình và sự động viên khích lệ của lãnh đạo Bộ và các Ban, Ngành Trung ương.
2- Giai đoạn từ năm 1990 đến 2000.
Thời kỳ này đứng trước yêu cầu đổi mới do Đảng lãnh đạo, Công ty phải kiên trì phấn đấu để thoát ra khỏi tình trạng khó khăn triền miên, đời sống cán bộ công nhân chưa được cải thiện, sức ép về lao động việc làm rất lớn. Từ trong khó khăn trí tuệ tập thể lại được thể hiện ở mục tiêu kinh doanh là “ Sản xuất và kinh doanh tổng hợp trên nền sản xuất than”. Lấy than làm nền tảng để sản xuất phát triển các ngành nghề khác. Các mỏ than tuy vẫn nằm trong giai đoạn cải tạo, nhưng khó khăn lớn nhất là mỏ than Na Dương một mỏ có sản lượng lớn có nguy cơ phải đóng cửa vì khách hàng duy nhất là Xi măng Bỉm Sơn đổi mới công nghệ không dùng than Na Dương nữa. Công ty đã tổ chức sản xuất đá xẻ ở Nhà máy cơ khi mỏ Bắc Thái, mua thiết bị của Trung quốc về để sản xuất than tổ ong, than quả bàng cung cấp cho thị trường khu vực Bắc Thái, Lạng Sơn, Hà Nội và các vùng lân cận. Từ việc sản xuất các sản phẩm từ than chế biến đã đưa Công ty tiếp cận với cơ chế thị trường, và cũng chính từ đây cơ chế mới đã dạy cho công ty bài học đầu tiên về phong cách biết trân trọng và phục vụ khách hàng chu đáo hơn, hiểu biết hơn để có cơ sở tiếp cận và phát huy một cách mạnh mẽ cho thời kỳ sau này. Cuối năm 1994 trở đi, sau khi Tổng công ty than Việt Nam ra đời đã tạo mọi điều kiện để Công ty thoát khỏi khó khăn như tạo cho thị trường xuất khẩu than, hé mở ra các thị trường lớn, cuối những năm 1998 đầu 1999. 
Tổng công ty than Việt Nam khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Na Dương và cũng chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn. Tiếp tục thực hiện mục tiêu sản xuất và kinh doanh đa ngành, năm 1993 một loạt cơ sở sản xuất mới đã ra đời mà xi măng La Hiên là sản phẩm kết tinh sự sáng tạo đó. Được Chính phủ cho phép, Bộ Năng lượng phê duyệt đầu tư, Nhà máy xi măng La Hiên đã chính thức khởi công năm 1993 và đến năm 1996 đã hoàn thành hai dây chuyền lò đứng đưa vào hoạt động với công suất thiết kế 132.000 tấn/năm. Sau 3 năm hoạt động Nhà máy đã hoàn vốn, sau 7 năm hoạt động đã trả hết công nợ và vượt 30% công suất thiết kế, thu hút hàng nghìn lao động dôi dư ở các mỏ và tiếp nhận con em nhân dân địa phương vào làm việc. Cùng với xi măng thời kỳ này còn có các đơn vị như: Nhà máy cơ khí mỏ Bắc Thái, Xí nghiệp kinh doanh vật tư và chế tạo bình áp lực, Xí nghiệp vật tư vận tải và chế biến than cũng đã chuyển động không ngừng để giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động. Mở rộng sản xuất, đầu tư cải tạo làm thêm sản phẩm mới như dây chuyền sản xuất lưới thép, đúc sản phẩm cơ khí, làm vỏ bao xi măng, chế tạo hệ thống nồi hơi, bình áp lực… Công ty cũng đã tiếp nhận thêm nhiệm vụ thăm dò khảo sát thiết kế, khảo sát địa chất các mỏ và nền móng các công trình xây dựng. Việc sản xuất vôi, gạch, ngói, Clinker ở mỏ Khánh Hòa, Núi Hồng, xí nghiệp vật liệu xây dựng … đã tận thu được đá thải mỏ ( Khánh Hòa), đất thải ( Núi Hồng). Cùng với phát triển than, Vật liệu xây dựng, cơ khí… Công ty còn liên doanh với các công ty nước ngoài và trong nước để xây dựng Khách sạn, sản xuất bia, xây dựng các khi nghỉ dưỡng, nghỉ mát như Khách sạn Heritage Hà Nội, khách sạn Mê Linh, Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng ngành than. Từ hướng đi ban đầu ấy đã đưa Công ty tiếp tục phát triển và khẳng định thương hiệu Than Nội Địa. Các cơ sở và ngành nghề sản xuất mới đã đưa công ty trở thành một công ty lớn trong ngành than và có nhiều sản phẩm đa dạng nhất, thu hút được nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Hàng nghìn con, em cán bộ công nhân và bà con nhân dân các dân tộc vùng núi phía Bắc đã có công việc làm, được chuyển đổi từ nông dân sang làm công nhân sản xuất công nghiệp ở các mỏ than, nhà máy xi măng trên quê hương của mình như Lạng Sơn, Tuyên quang, Thái Nguyên …
    Mục tiêu cơ bản của kinh doanh đa ngành đã giúp cho Công ty tăng thêm lợi nhuận để phát triển, song điều đạt được còn lớn hơn là trách nhiệm đối với xã hội, đó là tạo ra công ăn việc làm, giúp cho các địa phương và đất nước ổn định cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó cũng nhận thấy trong lúc khó khăn, những người lãnh đạo và công nhân cán bộ đồng lòng nhất trí tập trung tất cả vào mục tiêu xây dựng và phát triển công ty thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua để đưa Công ty đi lên và tiếp tục phát triển.
3- Giai đoạn từ 2000 đến 2010.
   Bước vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới tuy gặp phải nhiều khó khăn trong sự biến đổi gay gắt của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, song phát huy kết quả đã đạt được của 20 năm, Công ty đã bước vào thời kỳ phát triển tăng tốc. Đây cũng là thời kỳ đầu tư mạnh mẽ cho sản xuất than và xi măng. Các mỏ than Khánh Hòa, Na Dương, Núi Hồng, Nông Sơn đã bước vào thời kỳ hưng thịnh. Công ty đã đầu tư hàng loạt thiết bị mới, hiện đại, cải tạo các mỏ theo đúng thiết kế. Các loại máy xúc thủy lực loại lớn, ô tô có trọng tải từ 40 đến 60 tấn của các hãng nổi tiếng trên thế giới được đưa về sản xuất tại mỏ. Than Na Dương, Khánh Hòa đã có tuyến tầng đẹp và rộng rãi. Than của Khánh Hòa, Núi Hồng, Na Dương đã cung cấp đủ cho sản xuất xi măng ở La Hiên và sản xuất điện ở Cao Ngạn và Na Dương. Lần đầu tiên sau bao năm mơ ước của nhiều thế hệ công nhân và cán bộ lãnh đạo, tháng 11 năm 2004 Công ty đã khai thác đạt mức 1 triệu tấn than/ năm. Sự kiện quan trọng này đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của Công ty, từ một Công ty nhỏ bé quản lý các mỏ tài nguyên nghèo, vỉa mỏng, địa chất không ổn định lại sản xuất phân tán trên nhiều tỉnh, thành phố đã trở thành một Công ty sản xuất than vào loại lớn của ngành đứng vào hàng các công ty sản xuất than hàng năm từ 1 triệu tấn than trở lên.
Sản xuất phát triển , đời sống người lao động không ngừng được cải thiện và nâng cao. Do lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn 10 năm 1995-2005, Công ty đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “ Anh hùng lao động” trong thời kỳ đổi mới. Phấn khởi với những thành tích và kết quả đã đạt được, từ năm 2005 Công ty tiếp tục  tăng tốc và phát triển sản xuất than và đầu tư xây dựng các công trình. Tiếp tục thực hiện chính sách đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước, công ty đã chuyển biến một cách tích cực, hàng loạt công ty cổ phần ra đời như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng, Công ty cổ phần vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần cơ khí mỏ Việt Bắc, Công ty cổ phần xi măng La Hiên… các công ty sau khi cổ phần đã làm ăn có hiệu quả chấm dứt tình trạng thua lỗ kéo dài.Thời kỳ này khủng hoảng kinh  tế thế giới và khu vực đã gây ảnh hưởng và tác động không tốt đến sản xuất và kinh doanh của công ty, song với truyền thống biết vượt lên khó khăn Công ty mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất xi măng tại La Hiên, khởi công xây dựng mới Nhà máy xi măng Quán Triều ( Thái Nguyên), Nhà máy xi măng Tân Quang ( Tuyên Quang) cuối  năm 2008.
Từ trong sản xuất và kinh doanh với những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình điều hành sản xuất kinh doanh, Công ty đã điều chỉnh mục tiêu “ Kinh doanh đa ngành có chọn lọc trên nền sản xuất than”. Các mục tiêu chính được tập trung là sản xuất than và xi măng với các ngành nghề khác cùng phát triển hỗ trợ lẫn nhau. Tháng 12 năm 2009, Công ty đã đạt mức sản xuất và tiêu thụ đạt mức 2 triệu tấn than/ năm. Sản xuất và tiêu thụ 550.500 tấn xi măng. Doanh thu đạt mức trên 2.800 tỷ đồng.
Cùng với việc phát triển sản xuất, phong trào thi đua lao động sáng tạo phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất ngày một nhiều và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Số liệu tổng hợp cho thấy 30 năm qua toàn Công ty đã có 3.800 sáng kiến, gần 200 đề tài nghiên cứu khoa học, với giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng. Chỉ trong 5 năm 2005 đến 2009 đã có 801 sáng kiến làm lợi 50 tỷ 532 triệu đồng, số tiền thưởng cho các sáng kiến gần 600 triệu đồng. Công ty cũng đã làm tốt công tác xã hội, từ thiện giúp đỡ nhân dân các địa phương, các vùng khó khăn, các nơi bị thiên tai, bảo lũ, giúp các địa phương xây dựng nhà mới xóa nhà ở dột nát với số tiền trên 15 tỷ đồng. Qua 30 năm xây dựng và phát triển với sự cố gắng nỗ lực không ngừng của tất cả đội ngũ công nhân, cán bộ, công ty đã được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý như : Danh hiệu Anh hùng lao động cho Công ty năm 2005, 02 Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 2 công ty con là Khánh Hòa và Na Dương, 05 Huân chương Độc lập hạng Nhì và hạng Ba, 05 Huân chương Lao động hạng Nhất, 07 Huân chương Lao động hạng Nhì, 31 Huân chương lao động hạng Ba, 01 Huân chương Quân công hạng ba, 02 Huân chương Chiến công hạng Ba, 02 cờ thi đua của Chính phủ, 63 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 03 cờ thi đua của Bộ Công nghiệp và Bộ Công thương cùng rất nhiều bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt nam, các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố. Có 4 công nhân xuất sắc được phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 60 chiến sỹ thi đua Bộ, 130 chiến sỹ  thi đua cấp Tập đoàn, gần 1.200 chiến sỹ thi đua cấp công ty mẹ. Từ một công ty có nhiều khó khăn, đến nay công ty đã có một nền kinh tế lành mạnh, hàng năm đóng góp nhiều ngân sách cho Trung ương và địa phương, đời sống công nhân cán bộ ổn định, cơ sở vật chất và văn phòng sạch đẹp khang trang, thiết bị sản xuất hiện đại.
   Bước vào giai đoạn phát triển mới từ năm 2010 đến 2015, Công ty vừa tổ chức xong Đại hội Đảng bộ lần thứ XII, đại hội đã đề ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội. Trong đó tiếp tục phát triển mục tiêu sản xuất và kinh doanh đa ngành có chọn lọc trên nền của sản xuất than với các chỉ tiêu chính như : Bóc đất đá gần 100 triệu mét khối, sản xuất và tiêu thụ trên 12 triệu tấn than. Sản xuất và tiêu thụ xi măng đạt 13 triệu 280 nghìn tấn. Doanh thu đạt 30 nghìn không trăm 95 tỷ đồng, nộp ngân sách 538 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng đạt 6320 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 766 tỷ đồng. Tiền lương bình quân từ 5,5 đến 6,5 triệu đồng/ người/ tháng. Hướng về mục tiêu sản xuất kinh doanh ở phía trước đã được đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng, gần 6000 công nhân, cán bộ những người thợ mỏ ở vùng chiến khu Việt Bắc khi xưa sẵn mang trong mình dòng máu anh hùng của các thế hệ cha anh thuở trước, luôn luôn biết vượt khó đi lên. Tương lai đã rộng mở phía trước đang chờ đón thế hệ trẻ vươn lên, tiếp tục kế thừa thành quả đã đạt được, xây dựng và phát triển Công ty vững mạnh và liên tục phát triển xứng đáng với tuổi 30 đầy sức sống.

Tin liên quan
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
THÔNG TIN CHỨNG KHOÁN