“Lời giải” cho bài toán tăng hiệu quả trong sản xuất xi măng của VVMI


Thái Nguyên
Trong điều kiện ngành sản xuất xi măng bị cạnh tranh khốc liệt do cung lớn hơn cầu đã và đang đặt ra cho các đơn vị sản xuất xi măng nói chung và các công ty xi măng của Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc (VVMI) nói riêng “bài toán khó” là làm sao phải giảm giá thành sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường mới có thể tồn tại và phát triển được. Phóng viên Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đã “mục sở thị” các nhà máy xi măng của của VVMI xem các đơn vị đã tìm được “lời giải” gì cho “bài toán khó” ấy?

Then chốt là áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ
Với đặc thù của sản xuất xi măng, chi phí tiêu hao than và tiêu hao điện chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành tiêu thụ xi măng, trong đó chi phí điện năng chiếm khoảng 19% và chi phí tiêu hao than chiếm khoảng 23%. Theo lãnh đạo Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc, để giảm giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện ngành sản xuất xi măng bị cạnh tranh khốc liệt do cung lớn hơn cầu, Tổng công ty đã cùng các đơn vị sản xuất xi măng hết sức coi trọng và thường xuyên nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cũng như sử dụng các vật liệu mới, sẵn có để áp dụng vào sản xuất.
Cụ thể, các đơn vị sản xuất xi măng của Tổng công ty đã phối hợp với chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu đưa vào sử dụng vòi phun than thế hệ mới theo công nghệ của các nước phát triển, theo đó đã cho phép sử dụng than cám 4a.3 Núi Hồng và than 5a.5, 7b Khánh Hòa để sản xuất xi măng mang lại hiệu quả, giảm định mức tiêu hao than cho sản xuất clinker khoảng 40-50 kcal/kg clinker. Từ năm 2015, Công ty CP xi măng La Hiên đã dùng thử tro bay của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn vào sản xuất clinker, kết quả cho thấy việc dùng tro bay để sản xuất clinker cho phép tăng được năng suất của máy nghiền liệu, giảm chi phí tiêu hao điện năng, đồng thời giảm tiêu hao nhiệt khoảng 49 Kcal/kg clinker. Từ năm 2016, các đơn vị sản xuất xi măng trong Tổng công ty đã sử dụng phụ gia trợ nghiền cho sản xuất xi măng bột, từ đó tăng được tỷ lệ phối trộn phụ gia, tăng mác xi măng để cung cấp cho các trạm trộn bê tông thương phẩm, giảm giá thành sản xuất xi măng từ 6.000 đến 10.000 đồng/tấn, đồng thời cho phép tăng sản lượng xi măng bột tiêu thụ. Năm 2017, Công ty CP xi măng La Hiên và Công ty CP xi măng Quán Triều đã sử dụng đá thải sau tuyển nước của Công than Khánh Hòa vào sản xuất clinker. Sau thời gian sản xuất thử chất lượng clinker vẫn ổn định nên từ năm 2018 đến nay, hai đơn vị này đã chính thức đưa đá thải sau tuyển nước của Công ty Than Khánh Hòa vào sản xuất clinker, theo đó đã giảm được tiêu hao nhiệt từ 60-70 Kcal/kg clinker, giúp giá thành sản xuất clinker giảm khoảng 8000 đồng/tấn.

Cùng với các giải pháp về kỹ thuật công nghệ, thời gian qua các đơn vị sản xuất xi măng của Tổng công ty đã nghiên cứu và tiến hành thay thế con lăn của các máy nghiền liệu, máy nghiền than từ con lăn và bàn nghiền thép sang sử dụng con lăn sintercast. Việc thay thế này mang lại hiệu quả thiết thực, theo đó cho phép tăng năng suất của các máy nghiền này thêm từ 10-16%, tăng độ mịn của than sau nghiền, giảm chi phí tiêu hao điện năng khoảng 3KW/tấn liệu, giảm thời gian sửa chữa hàn đắp con lăn, bàn nghiền, đồng thời cho phép các Công ty xi măng hạn chế vận hành vào giờ cao điểm để tiết kiệm điện cũng như giúp cho tăng năng suất lò nung (Xi măng Quán Triều đã tăng được năng suất lò nung clinker từ 2.200 tấn/ngày lên gần 2.400 tấn/ngày). Ngoài việc thay thế con lăn và bàn nghiền, các đơn vị sản xuất xi măng trong Tổng công ty cũng đã tiến hành thay đổi tỷ lệ phối trộn bi và thay một phần đạn bằng bi cầu cho các máy nghiền xi măng nên đã tăng được năng suất của các máy nghiền xi măng thêm khoảng 10% so với trước đây, đồng thời cho phép giảm định mức tiêu hao điện năng cho khâu nghiền xi măng khoảng 3Kw/tấn xi măng.
Tập trung trọng tâm vào 3 mục tiêu
Phát huy những kết quả đã đạt được, định hướng trong thời gian tới để giảm giá thành sản phẩm, tiếp tục tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Tổng Giám đốc VVMI – Trần Hải Bình nhấn mạnh, Tổng công ty sẽ tập trung trọng tâm vào 3 mục tiêu.
Tiến hành nâng cấp hệ điều hành DCS cho các nhà máy xi măng nhằm ổn định, nâng cao chất lượng vận hành dây chuyền, tránh sự cố hệ thống điều khiển. Hoàn thiện các hệ thống giám sát như thiết bị giám sát khí, hoả quang kế, tăng cường giám sát, tạo độ tin cậy và kiểm soát tốt tất cả các thông số vận hành của hệ thống. Đẩy mạnh việc tự động hóa trong tất cả các công đoạn sản xuất, nhằm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hệ thống tin học vào quản lý, tự động hóa trong dây chuyền sản xuất cũng như quản trị, quản lý để tăng năng suất, giảm tiêu hao lao động, giảm chi phí sản xuất. Tiếp tục thực hiện chương trình hành động tin học hóa, tự động hóa giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn 2030, theo đó trong năm 2019 hoàn thành việc lắp đặt tự động hoá khâu cung cấp nước công nghệ, hệ thống điều khiển trạm khí nén, hoàn thành tháng 12 năm 2019. Triển khai áp dụng lắp đặt hệ thống bốc bao tự động tại Xi măng La Hiên, sau khi triển khai xong sẽ tiếp tục nghiên cứu để triển khai tại Xi măng Quán Triều và Xi măng Tân Quang.
Đầu tư thay thế và sửa chữa để nâng cao năng suất thiết bị. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu sử dụng các phụ tùng (con lăn, bàn nghiền…) có tuổi thọ cao để thay thế, nhằm tăng năng suất, giảm thời gian và chi phí sửa chữa, cũng như thời gian ngừng hàn con lăn bàn nghiền để tăng huy động thiết bị trong giờ cao điểm, nhằm hạ giá thành sản xuất. Tiếp tục nghiên cứu thay thế vòi đốt than thế hệ mới để sử dụng than có chất lượng thấp, thay thế một số cân than có độ chính xác cao để kiểm soát ổn định lượng than cung cấp cho lò, thay thế cải tạo ghi lạnh để tăng khả năng làm nguội clinker, nâng cao chất lượng clinker tại Xi măng Tân Quang. Duy trì tốt việc xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị hợp lý, chuẩn bị nhân lực, vật tư để tổ chức thực hiện bảo dưỡng sửa chữa toàn diện dây chuyền đảm bảo tiến độ và chất lượng theo kế hoạch, tránh tình trạng sửa chữa theo tình thế. Nghiên cứu áp dụng và đầu tư các hệ thống khởi động mềm, biến tần cho Quạt ID, các quạt công suất lớn, hệ thống quạt làm nguội clinker… nhằm tiết kiệm điện năng và tăng năng suất của từng công đoạn sản xuất. Tăng cường công tác tiết kiệm điện bằng các giải pháp sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm điện.
Tăng cường quản lý chất lượng nguyên liệu sản xuất từ đầu nguồn, chất lượng sản phẩm ở từng công đoạn và chất lượng sản phẩm tiêu thụ nhằm nâng cao thương hiệu sản phẩm xi măng Vinacomin trên thị trường. Thiết kế bài toán phối liệu trắng trên cơ sở thành phần hóa của clinker và thành phần hóa của tro than, thành phần hóa của clinker. Thường xuyên điều chỉnh tỷ lệ phối liệu để hệ số đặc trưng bài phối liệu có khoảng sai số nhỏ nhất, chất lượng phối liệu được ổn định. Quản lý tốt chất lượng đá vôi để đưa đá thải sau sàng, đất đá lẫn than vào phối liệu tỷ lệ hợp lý nhất, nhằm giảm tiêu hao than cho một tấn sản phẩm.

Tin liên quan
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
THÔNG TIN CHỨNG KHOÁN