21/02/2011
Có mấy bạn công nhân nữ yêu thơ điện cho tôi hỏi “ Thấy anh cũng biết làm thơ và đã đọc thơ cho nhiều người nghe, anh có biết gì về thơ Đường không? và theo anh trong lịch sử thơ Đường có bài nào nổi tiếng nhất?”
Tôi xin cảm ơn bạn đã quan tâm, về đề tài bạn hỏi thật là rộng lớn quá sức hiểu biết của tôi. Song tôi sẽ cố gắng trả lời các bạn như tên của chuyên mục:
Trong lịch sử văn hóa Trung hoa, Thơ Đường chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Người ta nhận xét rằng chưa có một thời đại nào có một nền thơ ca rực rỡ bằng đời Đường. Trải qua thời gian và biết bao thăng trầm của lịch sử cho đến nay người ta vẫn còn lưu giữ được hơn 48.000 bài thơ của 2.300 thi sỹ. Tất cả những bài thơ còn sót lại với nội dung vô cùng phong phú và nghệ thuật trác việt cũng đủ để đánh dấu một thời đại hoàng kim của thơ ca Trung quốc. Suốt trong khoảng thời gian gần 300 năm từ năm 618 đến 901 là thời kỳ của thơ Đường gắn liền với lịch sử, kinh tế chính trị xã hội Trung quốc. Rất nhiều nhà thơ nổi tiếng mà những ai biết đọc thơ, thích thơ, yêu thơ đều biết tiếng như Bạch Cư Dị, Dương Quýnh, Vương Bột, Đỗ Phủ, Trần Tử ngang … Bạn hỏi về bài thơ nào nổi tiếng thì tôi xin chép ra một bài thơ mà nhiều người biết và cũng có thể gọi là nổi tiếng. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của tác giả Thôi Hiệu. Nội dung bài thơ như sau:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán- dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh- vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch nghĩa : Hoàng hạc lâu
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi rồi
Lầu hạc vàng còn trơ lại đây
Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa
Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoài…
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán- dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh- vũ mơn mởn xanh tươi
Trời tối rồi, đâu là quê hương mình?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến người sinh buồn!
Dịch thơ : Tôi biết có hai bản dịch, một bản dịch theo thể thơ lục bát ,một bài dịch theo thể thất ngôn bát cú. Xin chép cả hai bản để bạn đọc thưởng thức.
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa!
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán dương sông tạnh cây bầy,
Bãi xa Anh- vũ xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
TẢN ĐÀ
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút,
Trơ lầu Hoàng hạc chốn này thôi!
Hạc vàng một đã đi, đi biệt,
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán- dương cây sáng ửng.
Cỏ thơm Anh- vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.
KHƯƠNG HỮU DỤNG
Xin nói thêm. Tôi không giỏi thơ, không biết bình thơ. Bài thơ này được Thôi Hiệu đề trên Lầu Hoàng hạc, hay đến mức nhà thơ Lý Bạch đi qua đọc được bái phục lắm không dám đề thơ khác nữa, ông chỉ dám đề hai câu thơ ở bên cạnh:
“ Trước mắt có cảnh nói không được
Vì có thơ Thôi Hiệu ở trên đầu”
Nguyễn Quang Tình biên tập và giới thiệu