Công tác quản lý lao động và tiền lương, kết quả đã đạt được và mục tiêu trước mắt cần thực hiện

Tại Hội nghị tổng kết công tác khoán kinh tế tổng hợp năm 2013 và sơ kết 5 tháng đầu năm 2014, Cử nhân Phạm Thị Xướng – Trưởng phòng LĐTL có trình bày bản báo cáo về chủ đề quản lý lao động, tiền lương, đồng thời nêu lên những mục tiêu biện pháp thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014. Chúng tôi đã biên tập lại thành dạng bài viết. Xin giới thiệu để bạn đọc cùng tham khảo, đầu đề bài do chúng tôi đặt.
                                    
          
                              Cử nhân Phạm Thị Xướng
           Trưởng phòng Lao động – Tiền lương  Tổng công ty


Năm 2013, với những khó khăn của nền kinh tế thế giới đã tác động vào trong nước đã gây nên những ảnh hưởng không tốt đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động. Nhưng với sự đoàn kết, thống nhất cao, lãnh đạo tổng công ty đã chỉ đạo tập trung mọi cố gắng, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2013, đời sống của CBCNVC-LĐ đã ổn định về thu nhập và việc làm, kết quả đó được minh chứng bằng những số liệu cụ thể như sau:  Tiền lương bình quân toàn Tổng công ty năm 2013 đạt trên 5,6 triệu đồng/người/ tháng, tăng hơn so với năm 2012 là 0,37 %.  
Ước thực hiện tiền lương bình quân 5 tháng đầu năm 2014 toàn Tổng công ty đạt bình quân trên 5 triệu đồng/người-tháng. Việc sử dụng lao động đã tiến hành việc sắp xếp đổi mới cơ cấu lao động, nhiều đơn vị đã nghiêm túc triển khai thực hiện với các giải pháp như: Giảm số lượng đầu mối các phòng ban, tổ chức lại sản xuất, bố trí lao động gián tiếp, phục vụ sang làm các công việc trực tiếp sản xuất, không tuyển mới lao động thay thế số lao động gián tiếp, phục vụ khi nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động. Tổng công ty đã triển khai kịp thời thực hiện theo Quy chế của Tập đoàn quỹ sắp xếp đổi mới cơ cấu, chất lượng lao động với tổng số là 110 người với số tiền hỗ trợ là trên 6 tỷ đồng.
Công tác quản lý định mức lao động, tiền lương và phân phối thu nhập phụ thuộc rất lớn vào việc quản lý định mức lao động. Năng suất sẽ quyết định thu nhập của người lao động, vì vậy bên cạnh việc đầu tư thiết bị, cải tiến công nghệ, tính đồng bộ của thiết bị, điều kiện địa chất thì năng suất lao động còn phụ thuộc rất nhiều vào hệ số sử dụng thời gian có ích để làm việc, trình độ tay nghề của công nhân vận hành thiết bị, điều kiện làm việc, tổ chức sản xuất, bố trí lao động và sử dụng thời gian lao động (số giờ làm ra sản phẩm trong ca, số ca sản xuất trong ngày, số ngày làm việc ra sản phẩm trong năm), cơ chế tiền lương, tiền khuyến khích. Năng suất thiết bị ở một số đơn vị so với định mức, nhìn chung các đơn vị sản xuất than hầu hết các thiết bị đều đạt được năng suất định mức giao năm, tuy nhiên năng suất giờ, ca các thiết bị không đạt định mức. Vì vậy đơn vị muốn tiết kiệm được chi phí thì bằng mọi biện pháp phải tăng được năng suất giờ, ca của thiết bị. Các giải pháp tăng năng suất giờ, ca cụ thể như: Cải tạo tốt tầng khai thác, đường vận chuyển (Bề rộng, độ dốc, góc cua vv…) cải thiện điều kiện nổ mìn (Đảm bảo đất đá tơi, tránh mô chân tầng, quy mô bãi nổ lớn) Nhất là Công ty Than Khánh Hòa. Công tác phân công và hiệp tác sản xuất phải tốt, phải đồng bộ hóa các thiết bị cho máy xúc, máy khoan, ô tô vv…
Các Công ty sản xuất xi măng, tuy đã có rất nhiều cố gắng, song một phần do nguyên nhân khách quan như chất lượng thiết bị, mặt khác cũng còn do trình độ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nên năng suất đạt được chưa cao.

Để làm tốt công tác động viên khuyến khích người lao động, tiền lương rất quan trọng đối với người lao động, do đó để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần có cơ chế hợp lý về tiền lương, tiền khuyến khích.Quán triệt nguyên tắc “Không được dùng tiền lương vào những mục đích khác” mà chỉ được dùng để thanh toán tiền lương, tiền công, tiền khuyến khích và bổ sung thu nhập cho người lao động, đồng thời việc trích lập quỹ tiền lương khuyến khích để khuyến khích tác nghiệp, đột xuất, phân phối các ngày lễ, tết vv… phải thực hiện đúng quy chế của Tổng công ty và đơn vị đã ban hành. Hầu hết các đơn vị đã thực hiện tốt các yêu cầu trên. Giám đốc đơn vị đã quan tâm đến việc tăng năng suất và thu nhập cho người lao động. Đơn vị đã thực hiện công tác khoán chi phí tiền lương đến từng đầu xe máy, tổ đội, phân xưởng, phòng ban. Đặc biệt đã chú trọng đến thợ bậc cao, thợ lành nghề, thợ có tính chất đặc thù (Như xi măng; công nhân lò và một số ngành khác có tính chất đột phá nhằm làm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm vv…) các đơn vị đã dùng hệ số điều chỉnh trong trả lương hàng tháng để khuyến khích nhằm tăng năng suất lao động, thậm chí các đơn vị còn dùng hình thức trả lương khuyến khích đến các đầu xe máy theo từng ca, tháng, quý như Công ty Than Khánh Hòa, Công ty Than Na Dương, Công ty Than Núi Hồng và một số đơn vị khác ngoài than như Công ty cổ phần xi măng Tân Quang, xi măng La Hiên vv…Việc phân phối thu nhập, các đơn vị đã xây dựng cơ chế giao khoán tiền lương gắn trách nhiệm người lao động đối với công tác an toàn, thực hiện kỹ thuật cơ bản, cơ điện, khoán chi phí và tổ chức lao động, tổ chức sản xuất hợp lý (Tiền lương được chia làm 2 phần: Tiền lương do năng suất, chất lượng sản phẩm và tiền lương theo thực hiện công tác an toàn lao động). Các đơn vị đã xây dựng mức tiền lương ngành nghề theo hướng dẫn của Tập đoàn, những ngành nghề chính như: Công nhân khai thác than vận hành các thiết bị lớn đã được quan tâm, bên cạnh việc tăng đơn giá tiền lương cho công nhân khu vực sản xuất chính nhiều đơn vị còn áp dụng các chế tài để tăng cường công tác quản lý lao động nhằm động viên khuyến khích công nhân đi làm đảm bảo ngày công và năng suất lao động. Việc trả lương khuyến khích, lương chuyên gia đã được nhân rộng tại nhiều đơn vị, điều này đã thực sự tạo động lực để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Các đơn vị sản xuất kinh doanh khối ngoài, việc làm và thu nhập của người lao động đã ổn định. Việc quan tâm đến đời sống người lao động như: khám sức khỏe, điều dưỡng, phục hồi chức năng, theo dõi điều trị bệnh nghề nghiệp đã được quan tâm. Bên cạnh đó các là các hoạt động xã hội, Tổng công ty và đơn vị đã tổ chức tốt việc thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình người thân bị TNLĐ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất; công tác xã hội từ thiện, giúp đỡ xây nhà, sửa chữa nhà ở cho CNV, xây dựng các công trình phúc lợi (Làm đường, ủng hộ các quỹ …) cho các địa phương. 
    Bên cạnh những thành tích và kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm cần tập trung khắc phục như:Trong giao khoán không cụ thể hóa tỷ trọng tiền lương đối với từng khu vực sản xuất, gắn tiền lương bộ phận gián tiếp phân xưởng với mức độ hoàn thành của phân xưởng đó. Cơ cấu tiền lương giữa lao động gián tiếp, lao động phụ trợ phục vụ và lao động trực tiếp có nhiều điểm chưa hợp lý, chưa động viên khuyến khích được những lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề giỏi trong SXKD.  Một số đơn vị chưa khoán tiền lương theo khối lượng công việc trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, các công trình xây lắp tự làm vv… Nhiều đơn vị mới chỉ khoán nhưng chưa quản. Ở một số công đọan khoán chưa phù hợp. Chẳng hạn khâu xúc, gạt vv…của các bộ phận sàng tuyển, thời gian nào là làm sản phẩm, thời gian nào là làm các công việc phụ khác vv… Tổ chức phân công và hiệp tác lao động chưa hợp lý, người lao động chưa thực sự cố gắng trong công việc dẫn đến năng suất lao động còn thấp. 
Kết thúc kế hoạch năm 2013 và qua việc thực hiện nhiệm vụ của 5 tháng đầu năm 2014 cho thấy nhiệm vụ còn lại của năm 2014 còn rất nặng nề, cần phải tập trung tất cả mọi năng lực và quyết tâm cao để thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm như: Tái cơ cấu và cổ phần hóa Công ty mẹ theo đúng lộ trình và quyết định của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam. Triển khai thực hiện đúng tiến độ tái cơ cấu và cổ phần hóa Công ty mẹ theo 08 mẫu biểu quy định. Lập danh sách và tính toán các chế độ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng. Làm tốt công tác quản lý lao động và sắp xếp lao động dôi dư. Ổn định đội ngũ công nhân lao động, xây dựng các phương án sắp xếp lao động phù hợp theo hướng giảm lao động gián tiếp và giảm đầu mối các phòng ban theo quy định của Tập đoàn, có biện pháp điều chuyển, hỗ trợ lao động có chất lượng cho các đơn vị như: Công ty CP Xi măng Quán Triều; Công ty CP Xi măng Tân Quang; Công nhân hầm lò – Công ty Than Khánh Hòa; Công ty Than Na Dương để các công ty này có đủ năng lực xây dựng quản lý và điều hành, chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật đưa hầm mỏ vào hoạt động tốt. Tổ chức lao động khoa học và thực hiện chính sách đòn bẩy tiền lương nhằm tăng 5% năng suất lao động trong các khâu công nghệ chính. Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo lao động được tuyển dụng đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nhất là lao động chủ chốt trong dây chuyền sản xuất chính. Tiếp tục triển khai sắp xếp đổi mới cơ cấu lao động năm 2014 theo Quy chế của Tập đoàn đối với các đơn vị trong Công ty mẹ theo phương án đã được Tập đoàn phê duyệt. Việc quản lý tiền lương và phân phối thu nhập, triển khai kế hoạch tiền lương năm 2014; tăng cường kiểm soát việc sử dụng quỹ tiền lương, phương án tổ chức giao khoán cho người lao động đảm bảo thực hiện giãn cách tiền lương giữa các ngành nghề theo quy định. Công tác quản lý lao động phải xiết chặt công tác quản lý lao động, nâng cao chất lượng lao động bằng một số giải pháp:Sử dụng tối đa dữ liệu phân tích được từ các báo cáo tình hình thực hiện định mức lao động để làm cơ sở đánh giá hiệu quả sử dụng lao động. Sau khi đã tuyển dụng: Các đơn vị phải tổ chức sát hạch và học an toàn lao động (Nhất là những khâu trọng yếu) như các Công ty sản xuất than, sản xuất xi măng, lưới thép, vỏ bao và sửa chữa thiết bị vv…  Duy trì tốt việc chăm lo đội ngũ công nhân viên, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe người lao động. Tổ chức lao động theo hình thức xã hội hóa (Nhóm cung lao động > Cầu lao động (Là lao động phục vụ, phụ trợ và lao động quản lý). Xây dựng cơ chế chính sách cụ thể nhằm thu hút người lao động có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và tay nghề giỏi. Lao động mới ra trường thuộc ngành nghề đặc thù ở những đơn vị sản xuất than và xi măng; Lao động cần thu hút, có nhu cầu cao trong doanh nghiệp, cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Ban hành định mức tỷ lệ lao động phụ trợ, phục vụ và lao động quản lý nhằm đưa về tỷ lệ hợp lý, khuyến khích thu hút được nhân tài. Nghiên cứu các mô hình tổ chức lao động hợp lý nhằm tăng tốc độ gia tăng sản lượng, tăng năng suất lao động dựa trên nội lực hiện tại của các đơn vị.
Ổn định đội ngũ công nhân lao động, xây dựng các phương án sắp xếp lao động phù hợp theo hướng giảm lao động gián tiếp và đầu mối các phòng ban theo quy định của Tập đoàn. Có biện pháp điều chuyển, hỗ trợ lao động có chất lượng cho các đơn vị, để các đơn vị đều có đủ năng lực xây dựng, quản lý và vận hành tốt.
Về tiền lương, phân phối thu nhập: Tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách tiền lương, tỷ trọng quỹ tiền lương theo khu vực sản xuất nhằm khuyến khích người lao động làm việc khó, nặng nhọc và có chất lượng lao động tốt, lao động trẻ có năng lực muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, người lao động phấn đấu trở thành chuyên gia giỏi. Tổ chức lao động khoa học và thực hiện chính sách đòn bẩy tiền lương nhằm tăng năng suất lao động trong các khâu công nghệ sản xuất chính. Năm 2014, Tổng công ty đã ban hành Quy chế quản lý lao động, tiền lương trong Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, đã có nhiều đơn vị xây dựng và quy định đối tượng, tiêu chuẩn, hệ số khuyến khích thu hút tài năng được bình xét và trả bổ sung ngoài đơn giá tiền lương giao khoán hàng tháng. Điển hình là Công ty Than Núi Hồng, Xi măng La Hiên, ngoài ra cũng có một số đơn vị đã thực hiện nhưng chưa có quy định cụ thể. Đây là động lực thúc đẩy người lao động hăng say lao động sản xuất, đạt năng suất và hiệu quả cao góp phần vào sự hoàn thành kế hoạch SXKD của đơn vị và Tổng công ty. Tiền lương trả cho tập thể hay cá nhân người lao động, gắn với năng suất, chất lương, hiệu quả, đảm bảo an toàn lao động, an toàn đối với vốn, tài sản của chủ sở hữu và mức độ đóng góp của tập thể hay cá nhân người lao động. Xây dựng Quy chế trả lương theo vị trí, chức danh công việc, bảo đảm trả lương thỏa đáng (Không hạn chế mức tối đa) đối với người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật và đóng góp nhiều cho đơn vị. Đối với viên chức quản lý được xác định và trả lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức hưởng tối đa. Quản lý chặt chẽ công tác giao khoán định mức lao động, tiền lương, thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động như: Chế độ ăn giữa ca, chế độ ăn bồi dưỡng độc hại, các đơn vị cần quan tâm đến các điều kiện phục vụ tại các nhà ăn tập thể, các cơ sở chế biến để đảm bảo đủ định lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với tinh thần và trách nhiệm đối với người lao động, bộ phận những người làm công tác quản lý lao động tiền lương trong tổng công ty đã kiểm điểm lại công việc đã làm trong hơn một năm qua một cách nghiêm túc, rút kinh nghiệm để khắc phục những khuyết điểm yếu kém còn tồn tại để có các giải pháp khắc phục. Qua bài viết này chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện, quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo từ Tập đoàn TKV, Tổng công ty đến các đơn vị cơ sở, các tổ chức công đoàn và sự nhiệt tình tâm huyết của cán bộ làm công tác lao động, tiền lương trong Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc để đạt được kết quả tốt nhất, góp phần xây dựng Tổng công ty ngày càng tiến bộ và phát triển bền vững. 


                                              Bài: Phạm Thị Xướng
                                                        Ảnh : N.Q.T

Tin liên quan
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
THÔNG TIN CHỨNG KHOÁN