Bài dự thi giải Búa liềm vàng năm 2023″ NÂNG CAO HIỆU QUẢ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH NGĂN CHẶN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY”

ĐẢNG ỦY TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP MỎ VIỆT BẮC TKV-CTCP CHI BỘ VĂN PHÒNG     GIẢI BÚA LIỀM VÀNG KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG 2023     Chủ đề: NÂNG CAO HIỆU QUẢ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH NGĂN CHẶN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY                     Nội, 2023

Tóm tắt: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là là bảo đảm cho sự lãnh đạo lâu dài của Đảng. Trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ một cách mạnh mẽ, không gian mạng trở thành mặt trận, chiến trường chính giữa ta và các thế lực thù địch. Trên không gian mạng, các thế lực thù địch liên tục đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi chúng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc của Đảng, mấu chốt phụ thuộc vào việc chúng ta có thể giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng hay không?. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ: “Thường xuyên đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”(1).

Từ khoá: tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch

Chi bộ Văn phòng, Đảng bộ Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV-CTCP sinh hoạt chuyên đề triển khai Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị

1. Mạng xã hội và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội

Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác(2).

Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…”(3). Do đó, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là toàn bộ những hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục Nhân dân tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời tiến hành các hoạt động nhằm cung cấp thông tin, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

2. Thực trạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái trên mạng xã hội

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội; Mạng xã hội có đặc điểm là tốc độ truyền tải nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn, mạng xã hội trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống xã hội, tác động một cách trực tiếp, có thể làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân, qua đó tác động đến sự phát triển của xã hội. Theo thống kê số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam hiện nay chiếm 70% dân số, 60% dân số tham gia mạng xã hội (gần 60 triệu người). Với số lượng người dùng đông đảo, cùng với tốc độ truyền tải nhanh chóng, khó kiểm duyệt nội dung thông tin, các thế lực lịch thù địch coi mạng xã hội là một trong những phương thức hữu hiệu nhằm đấu tranh phản bác lại chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận chủ nghĩa xã hội, đòi đa nguyên đa đảng, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã hội,…

Để làm được điều nay trong suốt nhiều năm qua, cùng với sự bùng nổ mạng xã hội ở Việt Nam các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, cho rằng: cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, thậm chí chúng còn tìm cách đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, coi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là người cộng sản.

Để thực hiện mưu đồ của mình là phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản việt Nam, các thế lực thù địch lập ra các fanpage, kênh youtube, tổ chức các buổi Livestream… trên mạng xã hội nhằm tuyên truyền, cổ suý cho chủ nghĩa tư bản, cho nền dân chủ tư sản, lối sống thực dụng, đăng tải những bài viết, những video mang tính kích động, lôi kéo người dân tham gia, đặc biệt chúng triệt để lợi dụng những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội không được giải quyết kịp thời, những hạn chế, thiếu sót trong việc xây dựng và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tìm cách cường điệu hoá, thổi phồng một số hiện tượng nhằm gây nhầm tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; kích động người dân tham gia biểu tình, tụ tập đông người tạo thành những điểm nóng gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng cho rằng, những sai lầm, khuyết điểm hiện nay là do vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hay do chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền.

Có một thực tế đang diễn ra là các mạng xã hội ở Việt Nam thu hút nhiều người tham gia, như: Facebook, Zalo, youtube,… đều là các mạng xã hội của nước ngoài, máy chủ không đặt ở Việt Nam, rất khó khăn trong công tác quản lý và kiểm duyệt nội dung thông tin, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đòi hỏi chúng ta phải theo kịp để có những giải pháp kịp thời nhằm đấu tranh ngăn chặn những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch trên mạng xã hội nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhận diện, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo một cách sát sao. Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhằm đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, như: Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa X về tăng cường công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá nhấn mạnh yêu cầu: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống trị, các cơ quan báo chí và nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…. xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ mất đoàn kết nội bộ. Quản lý và đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc lập và sử dụng mạng xã hội trên Internet”.

Nhằm hiện thực hoá chủ trương, đường lối, các quan điểm của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh nhăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, như: Luật An ninh mạng 2018, Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012, Luật Quảng cáo 2012, Nghị định số: 72/2013/NĐ-CP, ngày 15 tháng 07 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, ngày 01 tháng 3 năm 2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng… làm cơ sở pháp lý quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Trên cơ sở sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội: nhiều thông tin xấu nhằm vu khống, bôi nhọ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thông tin không đúng sự thật,… đã kịp thời được gỡ bỏ hoặc yêu cầu các mạng xã hội được cấp phép hoạt động ở Việt Nam gỡ bỏ, đính chính thông tin. Cùng với đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, chúng ta cũng tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân thông qua mạng xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội chúng ta cũng đang gặp những khó khăn, hạn chế nhất định: nhận thức của một số cấp uỷ, cán bộ, đảng viên và việc quán triệt, triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội còn hạn chế, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đang tiến hành trên mạng xã hội còn ở mức khiêm tốn. Nội dung, phương thức đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch chưa đa dạng, phong phú còn nặng về hình thức. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội không được giải quyết kịp thời, dứt điểm tiếp tục là những kẽ hở cho các thế lực thù lịch lợi dụng để khoét sâu, thổi phồng nhằm phủ nhận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.

3. Một số giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, cần tập trung thực hiện một các đồng bộ các giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhất là cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện và đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân nhân nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm nhuần vào trong đời sống xã hội. Chú trọng tới việc xây dựng bản lĩnh chính trị, giáo dục lòng yêu nước, rèn luyện đạo đức và đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các cấp uỷ cần xây dựng và ban hành các Nghị quyết chuyên đề nhằm đấu tranh, ngăn chặn những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, tích cực tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi đây là một nhiệm vụ cần được tiến hành thường xuyên, cần được đưa vào báo cáo nội dung trong các kỳ sinh hoạt đảng của Chi bộ, cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ các cấp. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung đấu tranh ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội có trọng tâm, trọng điểm sát với tình hình thực tế.

Đồng thời, phải đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong việc nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội. Vì, Nhân dân có tin tưởng, ủng hộ Đảng là vấn đề có ý nghĩa sống còn, quyết định đến sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Các thế lực thù địch tìm nhiều cách thức khác nhau nhằm đưa ra các thông tin sai lệch lên trên mạng xã hội. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về bản chất, ý nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, từ đó tạo ra và nâng cao hệ miễn dịch cho Nhân dân trong việc tiếp nhận các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội và chủ động nhận diện, đấu tranh ngăn chặn những quan điểm sai trái thù địch.

Hai là, đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật, nâng cao chất lượng đội ngũ các bộ tham gia vào công tác tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch với sự đầu tư mạnh mẽ về con người, các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong công cuộc đấu tranh trên không gian mạng, trên mạng xã hội, họ luôn tìm những kẽ hở, đẩy mạng xây dựng các trang mạng xã hội, các fanpage, tổ chức Livestream trên facbook,… nhằm tuyên truyền, cổ suý cho nền dân chủ tư sản, tìm cách tuyên truyền, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Do vậy, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất kỹ thuật, phát huy tính hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Đổi mới nhanh trang thiết bị kỹ thuật thông tin để có thể hoà nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin thế giới. Cần có sự đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đầu tư mạnh mẽ cho đội ngũ cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ không chỉ có chuyên môn trong việc quản lý, sử dụng công nghệ thông tin, các phương tiện kỹ thuật đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội mà còn có bản lĩnh chính trị vững vàng, vì đội ngũ cán bộ này hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với các thông tin độc hại. Đội ngũ cán bộ cần được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; xây dựng các kịch bản và các phương án, chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc phức tạp xảy ra, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái.

Ba là, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối trong cán bộ đảng viên. Cuộc đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mặc dù đã và đang đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế, khó khăn phía trước: một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, ích kỷ, thực dụng; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Sai phạm trong công tác cán bộ xảy ra ở nhiều nơi, nhất là công tác bổ nhiệm cán bộ, vẫn còn tình trạng bổ nhiệm người nhà, người quen. Một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chưa nêu cao tính tiền phong gương mẫu gây bức xúc trong xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội không được giải quyết kịp thời và dứt điểm: việc làm, đền bù thu hồi đất, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, trật tự an toàn xã hội, ứng xử của cán bộ, công chức với nhân dân trong khi thực thi nhiệm vụ… làm gia tăng những bức xúc trong nhân dân, qua đó làm giảm sút niềm tin, thậm chí mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Các thế lực thù địch coi đó thời cơ vàng để đưa ra những lập luận, quan điểm nhằm phê phán chế độ, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Và cho rằng, những sai lầm đó bắt nguồn từ việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ việc chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền và lãnh đạo. Từ đó, chúng tìm cách đưa lên các fanpage, kênh youtube, tổ chức livestream,… kêu gọi mọi người từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đa nguyên, đa đảng.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên mạng xã hội, các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên cần triển khai nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng “đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm và bức xúc trong xã hội…

Bốn là, đổi mới phương thức hoạt động, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và phối hội chặt chẽ với các mạng xã hội nước ngoài được cấp phép hoạt động ở Việt Nam (youtube, facbook,…) nhằm nhanh chóng phát hiện, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; yêu cầu các mạng xã hội của nước ngoài và mạng xã hội do Việt Nam phát triển nhanh chóng gỡ bỏ những thông tin độc hại, những bài viết, clip mang tính kích động, bôi nhọ, vu khống lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cán bộ, đảng viên của Đảng. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan báo chí truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đẩy mạnh hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu thù địch, sai trái của các đối tượng, phần tử xấu trên mạng xã hội.

Với việc nhiều người tham gia vào các mạng xã hội, chúng ta cũng có thể thiết lập và sử dụng các fanpage, diễn đàn,… để đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tấm gương cán bộ, đảng viên điển hình, thủ đoạn của các thế lực thù địch đang tiến hành trên mạng xã hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội.

Để có thể kịp thời nhanh chóng định hướng dư luận xã hội, phản bác lại các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội, tránh rơi vào thế bị động để kẻ địch có thời gian, cơ hội vu cáo, bôi nhọ, xuyên tạc, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí truyền thông nhánh chóng cung cấp những thông tin chính xác, có định hướng rõ ràng, kịp thời.

Năm là, nhanh chóng nhận diện và tiến hành các hoạt động nhằm đấu tranh kịp với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội. Cần nhanh chóng phát hiện các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cán bộ, đảng viên và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, kêu gọi biểu tình, tụ tập đông người… gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để đối phó với lại với cuộc đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, các thế lực thù địch luôn đổi mới phương thức, thủ đoạn tiến hành trên mạng xã hội, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới để đưa ra những giải pháp đấu tranh có hiệu quả. Các cơ quan có chuyên môn có am hiểu sâu sắc và được giao phụ trách như: Công an, Quan đội, Bộ Thông tin và truyền thông,… cần phối hợp chặt chẽ với nhau để kịp thời nhận diện rõ những phương thức, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch trên mạng xã hội; phát hiện và cần thiết phải đưa vào danh sách theo dõi thường xuyên các tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video,… tuyên truyền phá chống phá Đảng, Nhà nước.

Sáu là, tăng cường sự quản lý nhà nước đối với các thông tin trên mạng xã hội. Sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội, đòi hỏi phải tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với các mạng xã hội hiện nay, nhất là các mạng xã hội của nước ngoài được cấp phép hoạt động ở Việt Nam. Vì có một thực tế hiện nay các số lượng người Việt Nam sử dụng các mạng xã hội do nước ngoài phát triển đông gấp nhiều lần so với các mạng xã hội do người Việt Nam phát triển. Trước hết, cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Tiến hành rà soát và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện có cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; Xây dựng các văn bản mới phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu công tác quản lý nhà nước; Có cơ chế, động viên khuyến khích xây dựng các mạng xã hội do Việt Nam phát triển; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân đăng tải những bài viết, video, tổ chức livestream… trên các trang mạng xã hội nhằm mục đích tuyên truyền, vu khống, bịa đặt, bôi nhọ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động, kêu gọi biểu tình, tụ tập đông người./.

Ngô Minh TiếnBí thư Chi bộ Văn phòng, Đảng bộ Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV-CTCP

————————-

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr.41.

(2) Chính phủ, Nghị định số: 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/07/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (Khoản 22, Điều 3).

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb CTQGST, Hà Nội, tr.31-32.

Tin liên quan
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
THÔNG TIN CHỨNG KHOÁN