Áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro tại các mỏ than hầm lò

1. Đặt vấn đề
Đến nay, trên thế giới, phương pháp đánh giá rủi ro – REM (Risk Evaluation Method) đẫ được áp dụng rộng rãi trong tất cả các hoạt động xã hội bao gồm các lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, quản lý, đầu tư …. Về cơ bản, đánh giá rủi ro được hiểu là việc thực hiện trước khi thực hiện một công việc nào đó, một dự án nào đó. Ví dụ khi chuẩn bị di chuyển một cốc nước từ bàn này sang bàn khác, cần phải xem xét điều gì có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển: Cốc nước có nóng không? Vị trí tay cầm có sắc cạnh không ? Cốc nước có quá đầy để di chuyển không ? Có vật gì vướng trong quá trình di chuyển không?. Đánh giá, kiểm soát và lường trước được các rủi ro sẽ góp phần cải thiện mức độ an toàn trong mọi hoạt động cụ thể.
Trên thế giới, phuơng pháp đánh giá rủi ro được sử dụng phổ biến trong công tác quản lý an toàn, là một nhiệm vụ bắt buộc trong hệ thống quản lý An toàn và sức khoẻ nghề nghiệp (Occupational Health and Safety Management System) tại một số nước trên thế giới như Anh, Australia, Newzeland. Bản chất của phương pháp này là tìm ra các nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến tai nạn, sự cố, qua đó đề ra các biện pháp phòng ngừa, loại trừ tai nạn, sự cố.
Ngành khai thác than, đặc biệt là khai thác than hầm lò là một ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, phải đối mặt với nhiều hiểm hoạ từ lòng đất. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong công tác An toàn nhưng trong những năm qua, số vụ và số người chết trong khai thác than hầm lò vẫn còn lớn. Năm 2010 đã có 28 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 35 người, năm 2012 đã xảy ra 30 vụ làm chết 34 người. 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 95% số vụ tai nạn xảy ra trong ngành khai thác than hầm lò là do nguyên nhân chủ quan của người lao động, chỉ có 0,6% số vụ tai nạn do nguyên nhân khách quan, còn lại 4,4% do nguyên khách quan và chủ quan. Chính vì thế, hoàn toàn có thể kiểm soát và giảm thiểu các vụ tai nạn nguyên nhân do chủ quan gây ra thông qua hành lang pháp lý, đào tạo và huấn luyện.
Nhằm nâng cao công tác an toàn, giảm thiểu tai nạn lao động trong khai thác than, các tác giả đề xuất áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro vào tất cả các khâu sản xuất trong khai thác mỏ. Ngoài những lợi ích về mặt kinh tế, giảm thiểu tai nạn lao động có ý nghĩa xã hội to lớn giúp người lao động yên tâm công tác và gắn bó với nghề nghiệp hơn.
2. Giới thiệu phương pháp đánh giá rủi ro
Quá trình đánh giá rủi ro được thực hiện theo 5 bước, thể hiện bằng sơ đồ khối như trên hình 1.

Hình 1. Sơ đồ khối quy trình đánh giá rủi ro

+ Bước 1: Xác định mối nguy hiểm
Bất cứ cái gì, điều gì có thể gây thương tích cho con người, làm hư hỏng tài sản và huỷ hoại môi trường đều là những mối nguy hiểm. Các mối nguy hiểm có thể hiện hữu hoặc không hiện hữu. Trong bước này, phải xác định được danh sách các mối nguy hiểm có thể xảy ra trong một công đoạn sản xuất nhất định.
+ Bước 2: Xác định sự cố điển hình
Trong số các mối nguy hiểm đã được nêu ở trên, lựa chọn các sự cố điển hình, các sự cố sẽ gây thiệt hại lớn. Từ đó tiến hành tính toán tần suất và hậu quả.
+ Bước 3: Tính toán hậu quả
Xác định thiệt hại về con người: ước tính số người bị thiệt mạng, bị thương tích. Phải kể đến các chi phí y tế, sơ cứu ban đầu, chi phí chữa trị ngắn hạn và lâu dài, tiền công nghỉ ốm, chế độ…
Xác định thiệt hại về tài sản: ước tính thiệt hại về tài sản bị hư hỏng khi xảy ra tai nạn.
Xác định thiệt hại về môi trường: Phải đánh giá những tác động và thiệt hại nếu vụ tai nạn đó gây ảnh hưởng đến môi trường.
+ Bước 4: Tính toán tần suất (khả năng xảy ra)
Trong bước này cần đánh giá được khả năng xảy ra sự cố, tai nạn cho từng mối nguy hiểm. Ví dụ: Bao nhiêu lâu xảy ra một lần? Thời gian kéo dài?
+ Bước 5: Đánh giá rủi ro
Đánh giá rủi ro được tiến hành dựa trên tần suất (khả năng) xảy ra rủi ro và mức độ nguy hiểm của từng công đoạn. Như vậy, rủi ro được tính toán theo công thức sau:
Rủi ro = Mức độ nguy hiểm * Khả năng xảy ra
Các thông số trên đều được đánh giá theo 3 mức độ đó là: Thấp (T), Trung bình (TB) và Cao (C). Mức độ rủi ro được đánh giá dựa trên quy luật ưu tiên mức độ nguy hiểm cao. 
Trên cơ sở kết quả mức độ rủi ro, các nhà quản lý sẽ đưa ra các biện pháp, giải pháp để ngăn chặn khả năng xảy ra cũng như ngăn chặn sự cố, tai nạn xảy ra.
3. Áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro trong khai thác mỏ
Trong ngành khai thác than, đặc biệt là khai thác than hầm lò, các rủi ro luôn tiềm ẩn trong tất cả các khâu, các quy trình sản xuất của mỏ. Để thực hiện việc đánh giá rủi ro được tốt, nên chia nhỏ các quy trình, công đoạn sản xuất ra thành những bước nhỏ hơn. Ví dụ: Trong khai thác hầm lò có quy trình khai thác lò chợ. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào cách thức khai thác và chống giữ lại chia làm các công nghệ khai thác khác nhau. Vì thế, cần phân loại cụ thể là công nghệ khai thác nào? Chống giữ bằng công nghệ nào? Phá vỡ đất đá bằng phương pháp nào? Điều khiển đá vách bằng phương pháp nào? Từ đó có thể đưa xây dựng quy trình đánh giá rủi ro cho công nghệ khai thác nhất định.
Trong khuôn khổ bài báo này, các tác giả trình bày ví dụ minh hoạ về đánh giá rủi ro trong khi đào lò chuẩn bị trong than bằng phương pháp khoan, nổ mìn, chống giữ bằng vì sắt dạng vòm.
Khi đào lò chuẩn bị trong than, có một số nguy hiểm có thể phát sinh trong các công đoạn sau: Kiểm tra, củng cố; khoan lỗ mìn; nạp mìn; nổ mìn; tải than; vận chuyển vì chống; dựng cột chống. 
a. Công đoạn kiểm tra, củng cố
Chi tiết công việc:
Trước khi làm việc, cán bộ phân xưởng và công nhân làm việc tại lò chuẩn bị phải kiểm tra hoặc xác nhận được tình trạng thông gió, khí mỏ, nhiệt độ tại khu vực gương lò. Hàm lượng khí ở luồng gió thải trong gương lò cục bộ không được vượt quá 1%. Tốc độ gió (V) phải đảm bảo nằm trong giới hạn tốc độ gió tối thiểu và tốc độ gió tối đa (0.25m/s < V <4 m/s). Lưu lượng gió phải đảm bảo lưu lượng gió yêu cầu theo các tiêu chí như số người làm việc đồng thời lớn nhất, lượng thuốc nổ đồng thời lớn nhất, sản lượng than, theo yếu tố bụi.
Phân tích rủi ro:
Công đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro như xảy ra cháy nổ khí mêtan, ngạt khí. Vào đầu ca sản suất, công nhân không chú ý đến việc kiểm tra hàm lượng khí và lưu lượng gió trong khu vực gương lò dẫn đến tình trạng khí mêtan tích tụ trong gương lò. Khi tác nghiệp, có nhiều nguyên nhân tạo ra nguồn lửa như khi khoan lỗ mìn, do máy khoan không đảm bảo tính phòng nổ, gây ra tia lửa điện làm bắt cháy khí mêtan và gây nổ; do va đập các dụng cụ kim loại với nhau gây ra tia lửa; do công nhân vô ý sử dụng nguồn lửa hở trong lò; do tĩnh điện tích tụ trên ống thông gió…Nếu xảy ra nổ khí trong công đoạn này, mức độ thiệt hại về người và tài sản sẽ rất cao. Như vậy mức độ nguy hiểm ở mức cao (C) và khả năng xảy ra tai nạn từ công đoạn này cũng ở mức độ cao (C).  
b. Công đoạn khoan lỗ mìn
Chi tiết công việc:
Trước khi tiến hành công tác khoan lỗ mìn, tổ trưởng trực tiếp xem xét, kiểm tra toàn bộ tình trạng trong gương. Xác định các vị trí cần khoan theo đúng hộ chiếu đã được duyệt. Sau đó công nhân sẽ tiến hành khoan theo đúng thứ tự, vị trí đã được xác định.
Phân tích rủi ro:
Khi thực hiện công tác này, một số mối nguy hiểm có thể xảy ra như bị điện giật; bị búa khoan rơi vào chân, bị choòng khoan kẹp vào tay, choòng khoan đâm vào người khác, than hoặc đất đá rơi vào đầu. Nếu các tai nạn này xảy ra, mức độ thiệt hại chỉ ở mức trung bình. Như vậy, mức độ nguy hiểm ở công đoạn này ở mức trung bình (TB). Do có nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng nên khả năng xảy ra tai nạn sẽ ở mức cao (C).
c. Công đoạn nạp nổ mìn
Chi tiết công việc:
Trước khi nạp mìn, công nhân phải kiểm tra tình trạng về thông gió, hàm lượng khí. Nếu nồng độ khí mêtan ở gương lò nhỏ hơn 1% thì mới được nạp mìn. Để thực hiện việc nạp mìn cần có 2 người, một người nạp mìn và người kia chuẩn bị bua để trao cho người nạp mìn. Các lỗ mìn được nạp theo thứ tự từ trên xuống dưới. Trong một lỗ mìn, sau khi nạp thuốc, tiến hành nạp bua. Bua phải được nạp chặt và có chiều dài lớn hơn 0.5m Trước khi đưa kíp vào trong thỏi thuốc nổ, thợ mìn phải nối chập 2 đầu kíp với nhau để đảm bảo an toàn. Sau khi nạp mìn, nạp kíp, thợ mìn phải kiểm tra hàm lượng khí mê tan. Nếu hàm lượng khí mê tan nhở hơn 1% mới được đấu nối mạng nổ mìn.
Phân tích rủi ro:
Khi thực hiện công tác này, một số mối nguy hiểm có thể xảy ra như thuốc mìn nổ trong khi nạp gây thương tích cho người nạp mìn và thợ xung quanh; hiện tượng mìn câm. Trong công đoạn này, nếu xảy ra tai nạn thì mức độ nguy hiểm sẽ cao (C) nhưng khả năng xảy ra thấp (T).
d. Công đoạn dựng khung chống
Chi tiết công việc:

Sau khi nổ mìn, thông gió, tiến hành kiểm tra và củng cố gương lò trước khi dựng khung chống. Tải than ở những vị trí cần thiết đảm bảo thuận tiện cho việc dựng khung chống.
Phân tích rủi ro:
Trong công đoạn này, có thể xảy ra một số rủi ro đó là đổ cột chống, tụt nóc, xà hoặc chèn rơi vào người. Mức độ nguy hiểm là trung bình (TB) và khả năng xảy ra cũng ở mức trung bình (TB).
e. Công đoạn tải than
Chi tiết công việc:

Sau khi dựng khung chống giữ tạm nóc, tiến hành tải than ra máng cào hoặc xúc lên goòng nếu vận tải bằng tàu điện. Những cục than to cần phải đập nhỏ để phù hợp với máng cào.
Phân tích rủi ro:
Trong công đoạn này, tai nạn có thể xảy ra là than rơi, các cục than to va chạm vào người làm bị thương, khi tải than vô tình giẫm vào máng cào, chạm vào đoàn goòng. Mức độ nguy hiểm ở công đoạn này là thấp (T) và khả năng xảy ra cũng thấp (T).
Từ các phân tích mức độ nguy hiểm và khả năng xảy ra tai nạn trong từng công đoạn khi đào lò chuẩn bị trong than bằng phương pháp khoan, nổ mìn, chống lò bằng vì sắt dạng vòm. 
4. Kết luận
Phương pháp đánh giá rủi ro đã được các tác giả nghiên cứu và trình bày. Để triển khai sâu rộng phương pháp này nhằm đánh giá mức độ rủi ro, loại trừ các mối nguy hiểm tiềm ẩn phát sinh, giảm thiểu tai nạn lao động trong khai thác than, các tác giả có một số đề xuất sau:
– Xây dựng các văn bản pháp quy để đưa phương pháp đánh giá rủi ro vào áp dụng rộng rãi trong thực tế, đưa việc đánh giá và kiểm soát rủi ro vào Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò.
– Xây dựng quy trình huấn luyện, đào tạo chuyên nghiệp để nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về vấn đề “An toàn và Sức khoẻ nghề nghiệp” trong ngành công nghiệp than.
– Triển khai việc đánh giá, kiểm soát rủi ro trong tất cả các khâu sản xuất trong mỏ, các quy trình vận hành máy móc, thiết bị. Treo các bảng đánh giá rủi ro có thể hiện mức độ nguy hiểm của từng công đoạn tại vị trí tác nghiệp cũng như treo tại khu vực đặt thiết bị. Trước mỗi ca làm việc, phải tiến hành thảo luận nhóm, đưa ra những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình thực hiện công việc và các biện pháp khắc phục nếu xảy ra sự cố./. 

 Nguyễn  Quốc Trung

Tin liên quan
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
THÔNG TIN CHỨNG KHOÁN