23/08/2019
(ĐTCK) Nhu cầu than cho sản xuất điện đang tăng mạnh được nhìn nhận là thách thức lớn với ngành than.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản (TKV), Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhu cầu khoảng 58 triệu tấn than phục vụ cho sản xuất điện trong năm 2019. Đây là nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng cũng là cơ hội đối với ngành than.
Phó Thủ tướng khẳng định, năm 2018, nhu cầu than cho sản xuất điện đã tăng cao. Hiện tổng công suất điện cả nước vào khoảng 48.000 MW, dự kiến đến năm 2025 cần tăng gấp đôi lên 90.000 MW và đến 2030 tăng gấp 3 con số này. Để đảm bảo tổng công suất điện này, ngành than phải gia tăng mạnh nguồn cung ứng trong những năm tới, dự kiến tăng từ 58 triệu tấn cho nhu cầu phát điện năm 2019 lên 90 triệu tấn năm 2025 và 130 triệu tấn cho tới năm 2030.
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, trong điều kiện quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người giai đoạn hiện nay và tới đây, than vẫn là nhiên liệu phục vụ sản xuất điện có giá thành chấp nhận được đối với nền kinh tế và đa phần người dân, chỉ sau thủy điện. Nguồn điện than có giá thành rẻ hơn so với điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện khí.
Đánh giá về tình hình sản xuất và cung ứng than trong năm 2018, Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, nhu cầu than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện tăng đột biến, vượt dự báo của các cơ quan cũng như kế hoạch đặt ra từ đầu năm của Tập đoàn.
Trong bối cảnh này, ước tính than tiêu thụ đã tăng 5,5 triệu tấn so với năm 2017 và tăng 4,5 triệu tấn so với kế hoạch. Năm 2019, với dự báo nhu cầu than cho các hộ sản xuất lớn, đặc biệt là than cho điện vẫn tiếp tục tăng mạnh, đây sẽ là thách thức rất lớn cho Tập đoàn bởi TKV đang phải đối mặt với không ít khó khăn do điều kiện sản xuất than ngày càng xuống sâu, theo đó chi phí sản xuất tăng cao; năng lực sản xuất, điều kiện việc làm còn hạn chế.
Theo ông Hải, 2019 cũng là năm đầu tiên TKV sẽ phải nhập khẩu, pha trộn than với khối lượng, quy mô lớn gần 5 triệu tấn than, trong điều kiện cung – cầu than thế giới biến động theo chiều hướng không thuận lợi cho nhập khẩu; các điều kiện về logicstic, cơ sở hạ tầng phục vụ pha trộn vẫn còn ở mức thấp.
Việc gia tăng sản lượng than để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là cho sản xuất điện là yêu cầu cấp bách trong điều kiện các dự án hiện tại của Tập đoàn đã đưa vào huy động tối đa, các dự án mỏ mới chậm triển khai và vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính của các bộ các năm trước, than dự trữ tồn kho ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua.
Trong bối cảnh này, ông Hải cho biết, TKV sẽ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu suất, hiệu quả khai thác nhằm đảm bảo cung ứng đủ than cho các hộ sản xuất theo hợp đồng đã ký.
“Căn cứ hợp đồng mua bán than đã ký với các hộ, ngay từ đầu năm, TKV sẽ xây dựng cụ thể sản lượng, chủng loại than giao cho từng đơn vị sản xuất, chế biến theo giấy phép khai thác và nhập khẩu đảm bảo đúng tiến độ và số lượng, đồng thời đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa để gia tăng năng lực khai thác sản xuất”, ông Hải nhấn mạnh.
Để đảm bảo tiến độ khai thác, ông Hải kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh cấp phép và gia hạn các giấy phép khai thác than để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và tăng hiệu quả các dự án đầu tư. Theo báo cáo thống kê của TKV, năm 2018, sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt gần 37 triệu tấn, đạt 104 % so với kế hoạch. Than tiêu thụ ước đạt 40,5 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch, tăng 15% so với năm ngoái; trong đó tiêu thụ than trong nước đạt 38,61 triệu tấn, riêng than bán cho hộ điện tăng 5,4 triệu tấn so với thực hiện 2017. Trong năm 2019, TKV đặt mục tiêu sản xuất 40 triệu tấn than nguyên khai, đồng thời kết hợp nhập khẩu dự kiến 4,6 triệu tấn, đáp ứng mục tiêu tiêu thụ trên 42 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm 2018, trong đó riêng 40,2 triệu tấn là dành cho nhu cầu sản xuất của thị trường trong nước.