26/09/2014
Năm 2014, vào ngày 24 tháng 9 Công ty than Khánh Hòa trực thuộc Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc- Vinacomin kỷ niệm 65 năm ngày thành lập. Tập thể những người công nhân, cán bộ các thế hệ của Công ty đều cảm thấy tự hào về ngày truyền thống vẻ vang của những người thợ mỏ vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa. Nhìn lại một chặng đường đã đi qua với gần một thế kỷ vừa xây dựng, chiến đấu, sản xuất và liên tục phát triển. Ngày 24-9 hàng năm được coi như một mốc son chói lọi ghi dấu ấn vào lịch sử xây dựng và phát triển ngành Than vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa, đóng góp vào sự hình thành và phát triển của ngành Than trong cả nước. Những người thợ mỏ và gia đình của họ, cứ mỗi năm vào dịp tháng 9 theo dương lịch, mọi người lại tụ hội về khu mỏ Quán Triều để cùng nhau ôn lại trang sử truyền thống, oanh liệt của mỏ than đầu tiên dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà, được hình thành và ra đời. Điểm lại quá trình 65 năm sản xuất, chiến đấu, xây dựng và phát triển của đội ngũ những người thợ mỏ kể từ khi cách mạng thành công và kỷ niệm 60 năm ngày Công ty có vinh dự được Chính phủ giao nhiệm vụ khai thác và cung cấp than cho nhà máy điện Yên Phụ phục vụ cho việc sản xuất điện thắp sáng Thủ đô trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954).
Ngày kỷ niệm 24 tháng 9 hàng năm là một sự kiện quan trọng của Công ty. Mỗi một năm là một sự đánh dấu bước trưởng thành trong xây dựng và phát triển, đồng thời cũng là một ngày để các thế hệ công nhân cán bộ hiện đang công tác thể hiện tấm lòng tri ân đối với các thế hệ cha ông đi trước, đồng thời nhắc nhở con cháu hôm nay và những thế hệ mai sau hãy luôn ghi nhớ và phát huy gìn giữ những truyền thống quý báu đó của cha ông để lại. Theo sự kể lại của các bậc tiền bối thì cách đây trên 100 năm, vùng than Quán Triều- Sơn Cẩm này còn hoang vu, u tịch. Vào một buổi chiều sau cơn mưa rừng, lũ suối chảy mạnh cuốn đi mọi thứ, sau khi lũ rút có một người nông dân ở bản Cẩm Bình đi về nhà tình cờ nhặt được một hòn đá đen rất lạ. Nó nặng hơn gỗ nhưng lại nhẹ hơn đá, khi để gần bếp lửa nó bắt cháy và phát ra nhiệt rất nóng. Thực dân Pháp đã không bỏ lỡ chi tiết này và chỉ vài tháng sau việc khai thác than ở vùng này bắt đầu. Trang lịch sử đẫm máu và nước mắt cùng với sự đấu tranh quật cường của công nhân mỏ Quán Triều qua mấy chục năm nô lệ cũng bắt đầu từ đấy.
Việc ra đời vùng than Quán Triều – Sơn Cẩm đồng nghĩa với sự xuất hiện công nghiệp khai thác và sự ra đời của giai cấp công nhân vùng mỏ. Bằng phương pháp khai thác thủ công bóc lột sức lao động đến cùng cực phu mỏ, suốt mấy chục năm trời thực dân Pháp đã lấy đi hàng vạn tấn than. Những hòn than đã thấm đẫm không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, xương máu của rất nhiều thợ mỏ vùng Việt Bắc ngày ấy.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, vùng mỏ than Quán Triều- Làng Cẩm(Thái Nguyên) được Chính phủ chú ý và coi đây là vùng tài nguyên quan trọng phục vụ nội địa. Việc đầu tư khai thác than phục vụ cho kinh tế của nước Việt Nam độc lập hết sức có ý nghĩa. Quán Triều, Làng Cẩm lại nằm trong chiến khu Việt Bắc, than phục vụ sản xuất, phục vụ quân giới, phục vụ các cơ sở nhà máy lúc đó như: Xí nghiệp quân giới ở Phan Bồi, Bản Thi (Chợ Đồn), Đầm Hồng ở Tuyên Quang, Nhà máy giấy Hoàng văn Thụ ở Thái Nguyên và một số công binh xưởng ở Bắc Kạn .
Do vậy tháng 9 năm 1949 được sự đồng ý của Chính phủ, Nha khai khoáng và Công nghệ lúc đó đã ra quyết định thành lập Xí nghiệp than Lam Sơn bao gồm Quán Triều và Làng Cẩm. Ông Ngô Huy Lễ được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Xí nghiệp do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quản lý. Trên thực tế ngày 24 tháng 9 là ngày khai sinh Công ty than Khánh Hòa hiện nay với đầy đủ tư cách pháp nhân và mô hình của một đơn vị công nghiệp Nhà nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) đã mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc.Trước ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, theo hiệp định Giơ ne vơ, thực dân Pháp còn được ở vùng Hải Phòng, Hồng Quảng 300 ngày nên không có than đưa từ Hồng Quảng về Hà Nội để phát điện.
Được sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là đồng chí Lê Thanh Nghị, Xí nghiệp thực hiện nhiệm vụ khai thác than để phục vụ tiếp quản Thủ đô. Vùng mỏ Quán Triều lúc đó đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi; sản xuất than thắp sáng Thủ đô và đã vận chuyển được 1.320 tấn than tập kết ở ga Trung Giã và cung cấp cho nhà máy điện Yên Phụ phát điện. Ngày 10/10/1954 quân đội Việt Nam tiến về giải phóng và tiếp quản Hà Nội, một ngày thật huy hoàng của nhân dân Thủ đô đón mừng Chính phủ và Bác Hồ. Thủ đô của chúng ta vẫn rực rỡ ánh đèn điện và cờ hoa.
Hoà bình lập lại, miền Bắc bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, năm 1956 Xí nghiệp Lam Sơn được chia tách thành 2 đơn vị là mỏ than Quán Triều và mỏ than Làng Cẩm. Mỏ than Quán Triều là Công ty than Khánh Hòa ngày nay với đội ngũ 500 công nhân và một Đảng bộ có 50 đảng viên. Các thiết bị như: khoan tay, trục tời, bơm nước và thiết bị cơ giới như máy xúc 0,6 m 3/gầu được trang bị. Cán bộ công nhân của Xí nghiệp phấn khởi thi đua lao động sản xuất. Các tổ đội sản xuất phát triển từ 4 lên 10 tổ, các hoạt động văn hoá thể thao được diễn ra khá sôi nổi. Mọi người hăng hái phấn khởi bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (1961-1965).
Bị thua đau ở miền Nam, Đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc bộ ngày 5/8/1964 và leo thang bắn phá ra Miền Bắc với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân. Đảng uỷ Xí nghiệp đã vạch ra nhiệm vụ mới lúc này là: ” Sản xuất và chiến đấu “.Toàn Xí nghiệp sinh hoạt theo tác phong thời chiến, lực lượng tự vệ của mỏ được củng cố. Đối diện với tầng than là trung đội trực chiến của tự vệ mỏ. Ngày 29/4/1966 đội tự vệ Công ty đã có thành tích góp phần vào chiến công cùng quân và dân tỉnh Bắc Thái bắn rơi chiếc máy bay thứ 1000 trên miền Bắc. Đã có nhiều đồng chí được tỉnh Thái Nguyên, khu tự trị Việt Bắc tặng giấy khen về gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu như: Đồng chí Phạm Thị Lý, Đinh Văn Tân, Phạm Văn Vĩnh…và nhiều đồng chí khác .
Phong trào thanh niên tình nguyện lên đường chống Mỹ cứu nước được dấy lên sôi nổi. Công ty đã có 150 thanh niên ra trận chi viện cho chiến trường miền Nam, nhiều thanh niên của đất mỏ đã không trở về, Công ty than Khánh Hoà hôm nay và các thế hệ sau này luôn ghi nhớ và biết ơn lớp cha anh đã anh dũng hy sinh vì đất mỏ, vì nền độc lập, thống nhất đất nước. Tên tuổi các liệt sỹ như: Liệt sỹ Nguyễn Văn Quý, Liệt sỹ Nguyễn Văn Tráng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Lệ, Liệt sỹ Nguyễn Văn Thống, Liệt sỹ Nguyễn Văn Đức, Liệt sỹ Nguyễn Văn Tấn,v.v..và thân nhân của gần 50 thanh niên đã anh dũng hy sinh góp xương máu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc mãi mãi được tôn vinh, ghi nhớ và tự hào về họ.
Trong lao động sản xuất, Công ty cũng có niềm tự hào về chiến sỹ thi đua, người thợ máy xúc Lê Văn Dòn của mỏ Khánh Hoà được thay mặt tập thể mỏ vinh dự cùng đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành Than đi gặp Bác Hồ tháng 11 năm 1968 tại Hà Nội. Được Bác hỏi thăm về tình hình sản xuất của mỏ và được Bác dặn dò cùng các đồng chí chiến sỹ thi đua khác “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng. Phải đoàn kết nhất trí làm chủ xí nghiệp.Vượt mọi khó khăn nhằm vào một mục tiêu chung là sản xuất nhiều than cho Tổ quốc “.
Cho đến hôm nay, trong ký ức của các thế hệ công nhân Công ty than Khánh Hoà còn lưu giữ mãi về một kỷ niệm vào thời gian này của năm 1967, trong khí thế sục sôi chống Mỹ của quân và dân cả nước, Mỏ than Quán Triều- Thái Nguyên được vinh dự đổi tên là Mỏ than Khánh Hoà (tên của tỉnh Khánh Hoà thuộc miền Nam kết nghĩa với tỉnh Bắc Thái), thể hiện tình cảm, tấm lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, cán bộ công nhân Mỏ than Quán Triều nói riêng với tỉnh kết nghĩa Khánh Hoà, với miền Nam ruột thịt.
Do có nhiều thành tích xuất sắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, năm 2005 Công ty than Khánh Hoà rất vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “ Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Gắn liền với niềm vinh dự đó là nhiệm vụ sản xuất của mỏ, những máy xúc E2503-xe ô tô KPAZ, máy khoan đập cáp, máy gạt đã được điều động từ mỏ Apatit- Lào Cai về. Đội ngũ công nhân được cử đi đào tạo tại các trường công nhân kỹ thuật, trường trung cấp và đại học nhằm đáp ứng kịp trình độ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sản xuất than.
Với đặc điểm sản xuất than của Công ty trong điều kiện: Khai thác xuống sâu với công nghệ 2 bờ công tác, góc dốc từ 32 tới 400 trong khi hầu hết các mỏ lộ thiên trong ngành đều có độ dốc bờ mỏ thấp hơn nên việc phát huy năng suất thiết bị khai thác gặp rất nhiều khó khăn. Điều kiện địa chất rất phức tạp, than sản xuất ra với chất luợng thấp là chủ yếu – điều kiện cho công tác đổ thải khó khăn. Bên cạnh Công ty cũng có những thuận lợi căn bản đó là: Sự quan tâm giúp đỡ thiết thực về tài chính, thiết bị và sự chỉ đạo sâu sát của của lãnh đạo Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc và Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam. Sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân địa phương và các đơn vị bạn. Với truyền thống đoàn kết một lòng của các thế hệ cán bộ công nhân Công ty than Khánh hoà, đã trải qua bao thăng trầm trong lịch sử phát triển, luôn luôn kiên định lập trường, gắn bó với đất mỏ vượt qua mọi thử thách khó khăn xây dựng mỏ, xây dựng Công ty vững bước đi lên.
Theo thời gian và tiến trình phát triển của xã hội và nền kinh tế đất nước, qua các năm Công ty đã tăng dần sản lượng than khai thác, than sạch, than tiêu thụ và bóc đất đá:
– Năm 1990 đến 1995: Khai thác 782.275 tấn than nguyên khai, bóc 2.384.112 mét khối đất đá, sản xuất 768.261 tấn than sạch, tiêu thụ 736.731 tấn than.
– Năm 1996 đến năm 2000: Khai thác 735.310 tấn than nguyên khai, bóc 2.198.764 mét khối đất đá, sản xuất 838.600 tấn than sạch, tiêu thụ 867.097 tấn than.
– Năm 2001 đến năm 2005: Khai thác 1.117.194 tấn than nguyên khai, bóc 8.269.607 mét khối đất đá, sản xuất 1.280.775 tấn than sạch, tiêu thụ 1.281.875 tấn than.
– Từ năm 2006 đến 2014: Khai thác 4.826.607 tấn than nguyên khai, bóc 40.818.209 mét khối đất đá, sản xuất 5.638.881 tấn than sạch, tiêu thụ 5.657.775 tấn than.
Từ năm 2009 đến 2014, căn cứ vào nhu cầu của thị trường, đặc biệt là hộ tiêu thụ chính là Công ty nhiệt điện Cao Ngạn, các Công ty xi măng La Hiên, Xi măng Quán Triều cùng các hộ tiêu thụ khác của ngành công nghiệp trung ương và địa phương đóng trên địa bàn, Công ty đã tổ chức sản xuất và cung ứng đủ theo yêu cầu về sản lượng than, bóc đất đá theo tỷ lệ tương ứng theo hệ số. Thu nhập bình quân của người lao động, đời sống văn hóa tinh thần cũng được tăng dần và cải thiện theo thời gian.
Công ty luôn hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Thường xuyên phối hợp với địa phương các xã Sơn Cẩm, Phúc Hà đảm bảo công tác an ninh trật tự trong địa bàn và phòng chống các tệ nạn xã hội. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Công ty luôn quan tâm đến các trường phổ thông trung học Khánh Hoà, trường tiểu học Khánh hoà, Mầm non Khánh Hoà, và các trường quanh vùng. Đồng thời đóng góp giúp địa phương trong việc làm nhà văn hoá, làm đập chứa nước ở Sơn Cẩm, làm đường giao thông cùng nhau phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Trong đó có công trình đường giao thông liên khu vực từ quốc lộ số 3 vào khu trung tâm mỏ dài 1.800 mét do Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư cho xây dựng là món quà tặng nhân dân địa phương đã được hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013. Công ty còn xây dựng đường bê tông đoạn 5 -6 khu vực bãi thải tây – nam với giá trị trên 20 tỷ đồng để nhân dân địa phương đi lại được thuận tiện.
Thế hệ cán bộ công nhân của Công ty than Khánh Hòa được kế tục xây dựng và phát triển cũng như thừa hưởng thành quả của ngày hôm nay đều rất trân trọng biết ơn các vị cán bộ lãnh đạo cũ của Công ty như cụ Ngô Huy Lễ là Giám đốc đầu tiên của mỏ cách đây 65 năm, cụ Mai Kim Thanh Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên, các vị lãnh đạo khác đã từng làm Giám đốc qua các thời kỳ như ông Bùi Văn Nguyệt, ông Hà Văn Dư, ông Phan Huy Trác, ông Trần Quang Thảo, ông Nguyễn Văn Xuyến… cùng nhiều giám đốc tiền nhiệm khác.
Bên cạnh đó Công ty cũng rất trân trọng biết ơn các cán bộ quản lý giỏi và tâm huyết với mỏ đã trưởng thành, đã nghỉ hưu hoặc đang đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau trong ngành Công nghiệp, trong Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam; biết ơn những người thợ tài hoa và sáng tạo qua các thời kỳ của Công ty đã góp bao công sức, trí tuệ xây dựng nên diện mạo của Công ty ngày hôm nay.
Điểm qua sự bứt phá trong quá trình phát triển đi lên phải kể đến năm 2003 là năm Công ty bứt phá sang giai đoạn mới, năm có bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng khi Tổng công ty Than Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy điện Cao Ngạn. Công ty đã được Công ty than Nội Địa, Tổng công ty than Việt Nam đầu tư các thiết bị khai thác và vận chuyển hiện đại như: Xe vận tải hạng nặng CAT: 39 tấn – 58 tấn, máy xúc thuỷ lực cỡ lớn CAT: 3,5m3/gầu- 4,7m3/gầu, Máy khoan TITON-500 (công suất1,5 triệu m3 đất đá nổ mìn/năm). Đây có thể nói là những thiết bị hiện đại nhất trong khai thác và vận chuyển đất đá của Công ty.
Tuy nhiên Công ty lại có thêm thách thức, khó khăn mới, đó là CBCNV phải khẩn trương học tập, vươn lên để làm chủ các thiết bị khoa học tiên tiến, hiện đại; Xây dựng một tác phong công nghiệp trong khi thói quen cũ chưa kịp thay đổi .Giũ bỏ một thói quen cũ là việc không dễ dàng; Công ty đã tìm ra một hướng đi mới: đó là quản lý chặt chẽ, đoàn kết, dân chủ để tìm cách thoát khỏi khó khăn. Đồng thời bố trí hợp lý lực lượng lao động dôi dư do đổi mới công nghệ, bảo đảm việc làm và thu nhập cho trên 1000 lao động. Để cải tạo mỏ, sản lượng đất bóc hàng năm đều tăng lên từ năm 2004 đến 2010. Kể từ năm 2011 đến 2014, sản lượng đất bóc được cân đối tăng theo sản lượng than tiêu thụ. Công ty còn đẩy mạnh sản xuất đá trên cơ sở đá thải trong quá trình khai thác than để cung cấp cho Nhà máy xi măng Quán Triều.
Trước những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tăng gấp nhiều lần so với các năm trước. Công ty đã sớm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn; Đó là việc khẩn trương tiếp nhận đầu tư công nghệ và thiết bị khai thác hiện đại để tổ chức mở rộng sản xuất, nâng cao công suất mỏ.
Tuyến tầng khai thác được cải tạo mở rộng, công tác quản lý kỹ thuật có nhiều tiến bộ. Với bề dầy truyền thống 65 năm qua, với kiến thức kinh nghiệm quản lý, với ý chí, bản lĩnh và sự đồng lòng của tập thể công nhân cán bộ Công ty than Khánh Hoà, những người thợ mỏ Khánh Hòa cái nôi của thợ mỏ Việt Bắc ra đời trong kháng chiến chống Pháp, luôn tự hào với chặng đường đã qua. Họ sẽ tiếp tục nhìn về bước đường sắp tới với niềm hy vọng chắc chắn sẽ có những bước đi nhanh hơn, mạnh hơn để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của gần một thế kỷ mà cha anh họ đã tạo dựng. Những người thợ mỏ than Khánh Hòa ngày nay (Quán Triều năm xưa) cũng không bao giờ quên sự giúp đỡ đùm bọc của nhân dân địa phương, sự quan tâm giúp đỡ tạo mọi điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể nơi Công ty đóng chân trên địa bàn đã hết lòng giúp đỡ cho Công ty ổn định và phát triển. Mối đoàn kết công nông liên minh được xây dựng vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng với trí tuệ và công sức của các thế hệ thợ mỏ than Khánh Hòa qua các thời kỳ sẽ là những viên gạch hồng xây dựng và phát triển vùng than Việt Bắc mảnh đất anh hùng trong kháng chiến sẽ trở thành giầu mạnh trong hòa bình, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước hiện tại và tương lai.
Thái Nguyên -Hà Nội tháng 9 năm 2014
Nhà báo Nguyễn Quang Tình
Trợ lý Tổng giám đốc Tổng công ty
Công nghiệp mỏ Việt Bắc- Vinacomin