Chiến lược toàn cầu để khai thác mỏ an toàn

I- GIỚI THIỆU CHUNG
Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hàng năm, trên thế giới đã xảy ra trên 330 triệu vụ tai nạn lao động, trong đó, trên 350.000 vụ dẫn đến chết người. Ngoài ra, hàng năm có trên hai triệu người chết do những bệnh tật liên quan đến lao động. Như vậy, khoảng 2,4 triệu người chết mỗi năm do điều kiện lao động. Những số liệu nghiêm trọng này cho thấy những tổn thất nặng nề về con người và tài sản mà các gia đình và doanh nghiệp đang phải gánh chịu. Trong số các ngành công nghiệp nguy hiểm, ngành khai thác mỏ nổi bật nhất. Trong khi lực lượng lao động của ngành này chỉ chiếm 1% lực lượng toàn cầu thì số lượng người thiệt mạng do nghề nghiệp trong ngành này lại chiếm 8%. Hàng năm, hàng ngàn thợ mỏ bị thiệt mạng và số lượng người bị thương tật nghiêm trọng còn cao hơn thế. Hậu quả là: 
– Sản lượng khai thác tổn thất nặng nề, chi phí sản xuất tăng cao;
– Chất lượng sản phẩm giảm sút;
– Động lực lao động suy giảm do điều kiện lao động không an toàn;
– Gây tác động xấu trong dư luận xã hội về hoạt động của toàn ngành khai thác mỏ và của từng doanh ngiệp;
– Gây tổn thất nặng nề về người và kinh tế đối với gia đình người bị nạn.
Với hơn 13 triệu lao động, ngành khai thác mỏ trên thế giới hiện đang phải đối mặt với những mối nguy hiểm trong lao động như nổ bụi, nổ khí, sập lò, cháy mỏ, nhiễm độc hóa chất, thủy ngân ….
Vision Zero là một khái niệm được Eleuthere Irenee du Pont được đưa ra vào đầu thế kỷ thứ 19 và những yếu tố rất thành công của khái niệm này đã được nhiều quốc gia châu Âu áp dụng trong vấn đề an toàn đường bộ, sau được áp dụng mở rộng  trong sức khỏe và an toàn lao động.
Du Pont đã xây dựng lên Công ty E. I. du Pont de Nemours sản xuất thuốc súng tại Delaware (Mỹ) vào năm 1802. Tại đây, những vụ nổ thuốc nổ và kíp nổ đã gây ra những tai nạn nghiêm trọng làm nhiều người chết, nhiều tòa nhà bị sập đổ, khiến cho Du Pont nhận ra sự cần thiết phải đưa ra các biện pháp ngăn ngừa. Năm 1811, ông đã xây dựng các quy định về an toàn và ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với các cấp quản lý, ban hành các tài liệu và phân tích tai nạn, tổn thất, từ đó xác định được những tai nạn có thể tránh được, xây dựng môi trường làm việc an toàn không sự cố. Tới nay, có thể xem Du Pont là nhà lãnh đạo hàng đầu về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Những thành công ban đầu từ những biện pháp của Du Pont được xem là những yếu tố cơ bản của chiến lược Vision Zero (tạm dịch là tầm nhìn không). 
Vision Zero là một chiến lược phòng ngừa đối với một tương lai an toàn không có các vụ chết người hoặc tai nạn nghiêm trọng. Bằng việc tập trung vào những tai nạn nghiêm trọng nên việc ứng dụng chiến lược Vision Zero đã nâng cao mức độ an toàn và sức khỏe. Mục tiêu này có tính hiện thực cao. Những ngành công nghiệp có mức độ rủi ro lớn như các nhà máy sản xuất hóa chất hoặc ngành hàng không luôn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn cao nhưng lại có thể kiểm soát được. Các tập đoàn khai thác mỏ lớn đã cho thấy, các hoạt động khai thác trong những điều kiện khó khăn như dưới độ sâu lớn đều có thể tiến hành an toàn mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe thợ mỏ. Vision Zero trong khai thác mỏ là có thể đạt được, nó yêu cầu sự hiểu biết về các công cụ thử nghiệm cũng như động lực có ảnh hưởng đến mọi mức độ hoạt động và quản lý. 
Chiến lược này đã được áp dụng với mục tiêu nâng cao mức độ an toàn trong giao thông đường bộ tại một số nước châu Âu, bắt đầu từ Thụy Điển vào năm 1990 với những kết quả đáng ghi nhận. 
II- MỤC TIÊU CỦA CHIẾN LƯỢC VISION ZERO
Chiến lược Vision Zero chú trọng tới bốn khía cạnh quan trọng trong hoạt động khai thác mỏ: 
– Đạo đức: Cuộc sống và sức khỏe con người là vấn đề tối quan trọng cần được ưu tiên trên hết;
– Trách nhiệm: Các nhà cung cấp và điều hành của ngành khai thác mỏ cần chia sẻ trách nhiệm với người sử dụng;
– An toàn: Các quá trình khai thác mỏ cần xem xét và cân nhắc các lỗi của con người và giảm thiểu các cơ hội xảy ra lỗi và hậu quả khi chúng xảy ra;
– Cơ chế đối với những thay đổi: Các nhà cung cấp và điều hành cần cố gắng tối đa đảm bảo an toàn cho mọi cổ đông trong khai thác mỏ, thợ mỏ, nhà thầu và người dân xung quanh khu vực mỏ.
Theo đánh giá của chiến lược Vision Zero, những hành động của con người đôi khi bao gồm các lỗi. Vì vậy, chiến lược Vision Zero cần được điều chỉnh sao cho những lỗi này sẽ không dẫn đến thương tật hay tai nạn gây chết người.

III- TRIỂN KHAI ÁP DỤNG TRONG NGÀNH MỎ
Các thành phần tổng thể của chiến lược Vision Zero bao gồm công nghệ, nơi làm việc, các quy định và con người, được coi là lực lượng hành động. Đối với các hoạt động trong khai thác mỏ, ví dụ như, để phân tích mức độ an toàn trong công tác nổ mìn, cần phải xem xét bốn khía cạnh sau đây:  
1/ Khía cạnh công nghệ:
 – Thuốc nổ;
 –  Kíp nổ;
 –  Công tác đấu nối và kích nổ.
2/ Khía cạnh các quy định:
– Các quy định ngăn ngừa tai nạn trong nổ mìn.
3/  Khía cạnh nơi làm việc: 
–  Đo đạc lỗ khoan bằng máy tính; 
–  Thiết kế mỏ.
4/ Con người:
– Trình độ của các chuyên gia về nổ mìn;
– Chương trình đào tạo trên máy tính.
Tóm lại, chỉ khi đáp ứng đầy đủ những khía cạnh trên mới đảm bảo tạo ra môi trường làm việc an toàn, không xảy ra sự cố hay tai nạn nào.

IV- KẾT LUẬN
Khi tiến hành phân tích các tai nạn và bệnh tật liên quan đến hoạt động khai thác mỏ, đa số các nguyên nhân là sự thiếu quan tâm đến khu vực, độ sâu và khoáng sản khai thác và một số yếu tố khác. Tiểu ban quốc tế của ISSA về ngăn ngừa tai nạn trong ngành công nghiệp mỏ đã tổng kết và rút ra bảy khuyến cáo cơ bản đối với ngành công nghiệp khai thác mỏ cho việc hình thành lên các cơ sở để đảm bảo hoạt động khai thác được an toàn:
1/  Lãnh đạo và những cam kết;
2/ Nhận diện các nguy cơ và rủi ro;
3/ Thiết lập các mục tiêu về an toàn và sức khỏe;
4/ Đảm bảo một hệ thống an toàn;
5/ Sử dụng các công nghệ về an toàn và sức khỏe;
6/ Kiểm soát và nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn của cán bộ;
7/ Đầu tư về tải sản có giá trị cao nhất: khuyến khích người lao động.
Việc triển khai chiến lược Vision Zero trong ngành khai thác mỏ, sử dụng một cách hệ thống các dụng cụ  và biện pháp ngăn chặn các sự cố, rủi ro giúp thay đổi tình trạng hiện tại, giảm thiểu tai nạn gây chết người và thương tật, nâng cao năng suất lao động./.

Nguyễn Trung (biên dịch)

Tin liên quan
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
THÔNG TIN CHỨNG KHOÁN