Vai trò của than trong tương lai

Trong lịch sử phát triển xã hội, đã có một thời kỳ, than từng được xem là nguồn nhiên liệu bị quên lãng “forgotten fuel”, có lẽ là do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của than trong nền kinh tế toàn cầu. Thực tế là, trong thập kỷ qua, nguồn nhiên liệu than có mức tăng trưởng hàng năm cao nhất và từ năm 2000 đến năm 2010, than đã đáp ứng được nhu cầu năng lượng bổ sung của thế giới ngang bằng với các nguồn nhiên liệu khác (như dầu mỏ, khí tự nhiên, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo) cộng lại. 
Tới nay, theo tính toán, than đóng góp tới 41% trong tổng nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện trên thế giới, gần gấp hai lần so với nguồn nhiên liệu đứng thứ hai là khí tự nhiên. Như vậy, than đóng vai trò trụ cột trong sản xuất và cung cấp điện tại hầu khắp các châu lục và cũng là nguồn cung cấp năng lượng ổn định và an toàn cho những nước trên thế giới. Một trong những lý do khiến than đóng vai trò quan trọng trong sản xuất điện là khả năng huy động của nó. Không như dầu mỏ và khí đốt, trữ lượng than được phân bố ở hầu hết các nước trên thế giới, nhiều nhất được tập trung tại Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ và tới nay, có trên 80 nước đã tiến hành khai thác than. Hầu hết lượng than được khai thác đã đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, do vậy, cần phải có chính sách đảm bảo an ninh năng lượng than. Bên cạnh ưu điểm về khả năng huy động, một lý do nữa khiến cho than trở lên quan trọng đối với sản xuất điện là khả năng cạnh tranh cao về chi phí so với dầu mỏ và khí tự nhiên. Trong nhiều trường hợp, đốt than rẻ hơn nhiều so với các nguồn nhiên liệu khác, đặc biệt là các nhiên liệu tái tạo. 
Ngoài sản xuất điện năng, than còn là nguồn nhiên liệu chính để sản xuất thép và xi măng, những vật liệu xây dựng tối cần thiết sử dụng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa, hệ thống giao thông vận tải cũng như các thiết bị để sản xuất điện như các tuabin gió.
Trong ngành công nghiệp sản xuất thép, than chiếm tới trên 70% nguồn nhiên liệu được sử dụng trong quá trình luyện kim. Theo thống kê, năm 2009, sản lượng thép thô trên thế giới đạt khoảng 1,2 tỷ tấn và khoảng 761 tấn than cốc đã được sử dụng để sản xuất thép. Nhu cầu sử dụng thép tăng cao, đặc biệt tại các nước có nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc. Do đó, sản lượng thép thế giới năm 2010 đạt 1,4 tỷ tấn, tăng 15% so với năm 2009. Do có những ưu điểm nổi trội như độ cứng lớn, độ bền cao nên thép được sử dụng chủ yếu trong xây dựng nhà cửa, cầu cống và cũng là nguồn vật liệu trong công nghiệp chế tạo phương tiện giao thông vận tải như ôtô, tàu, thuyền. Ngoài ra, thép còn được sử dụng trong ngành năng lượng như dùng để thăm dò và khai thác nhiên liệu, sản xuất điện và xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện, đập thủy điện, giàn thăm dò và khai thác dầu mỏ, các hệ thống năng lượng tái tạo … Trong thực tế, khoảng 85% các tuabin gió có cấu trúc bằng thép. Vesta, hãng sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới, ước tính, cần sử dụng 250 tấn than cốc để sản xuất được một tuabin gió ở trên bờ và 150 tấn than cốc để sản xuất một tuabin gió ngoài khơi.
Than cũng là nguồn năng lượng chính trong sản xuất xi măng. Thông thường, theo tính toán, sử dụng 450g than thì sản xuất được 900g xi măng. Hàng năm, thế giới sử dụng khoảng 2,5 tỷ tấn xi măng, chủ yếu trong ngành xây dựng. Các nguồn nhiên liệu truyền thống, trong đó, than là lớn nhất, được sử dụng để sản xuất ra trên 90% sản lượng xi măng trên thế giới. Các sản phẩm phụ sau khi đốt than như tro bay cũng được sử dụng trong chế tạo bê tông, thay thế cho các nguyên liệu thô cơ bản. Theo đánh giá của IEA, Tổ chức Năng lượng Quốc tế, xét theo khối lượng thì bê tông chỉ đứng thứ hai sau nước được cộng đồng dân cư trên thế giới sử dụng hàng năm và việc sử dụng bê tông được xem là tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển kinh tế và hiện đại hóa tại các nước đang phát triển.
Ngoài ra, than cũng là thành phần quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm chuyên biệt như sợi cacbon dùng trong sản xuất bê tông cốt liệu độ cứng cao và siêu nhẹ, trong ngành công nghiệp IT, trong công nghiệp ôtô và hàng không vũ trụ.
Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong những thập kỷ tới, than vẫn tiếp tục là nguồn nhiên liệu chính cho một số ngành công nghiệp quan trọng. Các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo mức đầu tư cần thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong sản xuất và tiêu thụ than, đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các công nghệ kiểm soát mức phát thải khí nhà kính trong quá trình khai thác chế biến và sử dụng than nhằm sử dụng bền vững nguồn nhiên liệu quý giá này không những chỉ trong sản xuất điện mà còn trong nhiều ngành kinh tế mũi nhọn khác của xã hội loài người./.  
   Trung Nguyên
                      Biên dịch theo ECOAL June- 2012

Tin liên quan
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
THÔNG TIN CHỨNG KHOÁN