28/02/2014
Tại Hội nghị Tổng kết công tác Kỹ thuật và Đầu tư xây dựng năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, tổ chức vào ngày 27 đến 28 tháng 2 năm 2014 tại Thái Nguyên. Kỹ sư Nguyễn Thạc Tân – Phó giám đốc Công ty than Khánh Hòa đã có bài tham luận. Để có cơ sở nghiên cứu và vận dụng chung vào sản xuất của các Công ty sản xuất than, các Đơn vị trực thuộc Tổng công ty. Chúng tôi biên tập lại thành bài viết để bạn đọc cùng tham khảo.
Năm 2013 là một năm hết sức khó khăn trong sản xuất và kinh doanh của Công ty than Khánh Hòa, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước, nền kinh tế trong nước tuy có cải thiện song việc phục hồi chậm. Cùng với những khó khăn khách quan và chủ quan, thời tiết cũng không thuận lợi mưa lớn kéo dài gây ngập Mỏ, thị trường sản phẩm không ổn định nên công tác chế biến và tiêu thụ than gặp khó khăn, sản xuất than hầm lò bị bục nước, than tự cháy và đặc biệt là công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn nên chưa mở rộng khai trường sản xuất và bãi thải… Với tất cả những khó khăn gặp phải như trên thì công tác quản lý chi phí tại Công ty phải đối mặt với rất nhiều thách thức như khai trường chật hẹp đồng nghĩa với quy mô bãi nổ nhỏ, tuyến tầng, đường vận tải nhỏ hẹp, cua nhiều, bãi thải nhỏ manh mún xe chờ tránh nhau vào tuyến đổ thải … thiết bị khoan xúc thường xuyên di chuyển, chuyển tuyến, liên tục xúc giáp bãi … những điều kiện sản xuất như trên ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất sản lượng các thiết bị đồng nghĩa với việc chi phí vận hành, sửa chữa tăng cao.
Trước những khó khăn nêu trên Công ty đã áp dụng triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần giảm chi phí như tăng cường công tác chăm sóc, bảo dưỡng và sửa chữa dự phòng cho các thiết bị, khoán chi tiết chi phí đến các tổ đội xe máy, tăng cường phối hợp các bộ phận phòng ban, đơn vị để cải thiện điều kiện làm việc cho máy móc thiết bị, tăng cường phục hồi sử dụng tận dụng các vật tư để giảm chi phí. Tuy nhiên do hiện tại Công ty đang sử dụng rất nhiều các thiết bị xe máy do các nước tiên tiến sản xuất như máy khoan TITON-500, máy xúc HITACHI, CAT, xe vận tải CAT, KOMASU nên trong quá trình theo dõi sửa chữa chúng tôi nhận thấy chi phí sửa chữa các thiết bị này rất cao do hầu hết các vật tư thay thế cho sửa chữa đều được sản xuất và cung cấp từ các Hãng chế tạo và mang tính độc quyền về công nghệ nên giá vật tư rất đắt đỏ.
Từ thực trạng trên với mục tiêu tiết kiệm chi phí, chúng tôi đã tìm hiểu phân tích một số các vị trí vật tư trên các thiết bị có khả năng sử dụng bằng các vật tư có thể gia công chế tạo được trong nước mà mức độ ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị là thấp nhất đồng thời tham khảo một số Mỏ ngoài Quảng Ninh, chúng tôi đã chủ động và liên hệ đến một số đơn vị gia công chế tạo có uy tín và kinh nghiệm để đặt hàng gia công và bàn biện pháp đặt hàng kết hợp thử nghiệm. Ban đầu chọn một số mặt hàng để thuê gia công chế tạo có cấu tạo đơn giản để đánh giá khả năng chế tạo cũng như tính gắn bó, trách nhiệm của đơn vị nhận gia công, khi đạt yêu cầu mới đến các chi tiết phức tạp hơn. Mỗi chi tiết sau khi lắp đều tổ chức theo dõi và đánh giá hiệu quả, đối với những vật tư đáp ứng được hiệu quả về kinh tế được xem xét, báo cáo lãnh đạo Công ty để đặt hàng và áp dụng đồng loạt. Các chi tiết không đạt hiệu quả, chúng tôi có phản hồi cụ thể đến đơn vị gia công chế tạo để phối hợp điều chỉnh và tiếp tục thử nghiệm. Ban đầu cũng gặp phải một số vướng mắc về vật liệu, độ bền của chi tiết, các dung sai kích thước, mô đun lẻ khó chính xác… sau khi có những theo dõi và trao đổi với đơn vị gia công đến nay hầu hết các vật tư chi tiết mà công ty lựa chọn thay thế đều đã sử dụng hàng gia công trong nước và đều đạt yêu cầu về chất lượng cũng như thời gian sử dụng như các ổ bạc, ắc, bi chao giằng cầu, bi chao xi lanh ben, rô tuyn lái, bộ truyền động cuối các xe CAT, HD-465 và một số cụm chi tiết trong hộp số xe CAT-773E,F, một số các trục, ắc, BR trong HGT quay, di chuyển trên máy khoan, máy xúc thủy lực.
Trong năm qua Công ty than Khánh Hòa đã đưa vào sử dụng khá nhiều các vật tư của các công ty cơ khí trong nước như Công ty cơ khí Mỏ Việt Bắc, Cơ khí Bách khoa, Công ty cơ khí Hồng Lĩnh…với mức chi phí chỉ bằng 20 đến 50% so với vật tư của Hãng sản xuất, và trong năm cũng đã tiết kiệm được 2.750.000.000 đồng do sử dụng hàng gia công trong nước.
Đối với các chi tiết thuộc hệ thống điện, hệ thống điều khiển cũng thường xuyên hư hỏng làm phát sinh chi phí. Qua nghiên cứu nguyên lý và chế độ làm việc, chúng tôi đã thực hiện đưa các bộ điều khiển lập trình (PLC) có bán sẵn trên thị trường, tự tìm tòi nghiên cứu cài đặt lập trình phần mềm xử lý theo yêu cầu để đưa vào sử dụng thay thế cho các linh kiện của Hãng. Sau khi được viết và nạp chương trình, các bộ PLC đã hoạt động tốt, thay thế các mô đun bán sẵn của nhà sản xuất với độ bền vượt trội. Chỉ tính riêng trên các máy khoan đã thay thế cho các mô đun K1 đến K4, mô đun Y90, Y91, mô đun tự động rũ bụi… Các mô đun điện tử này trung bình phải thay thế trên 50 triệu đồng cho 1 mô đun cho 1 máy trong năm do điều kiện nóng ẩm nhiệt đới. Việc sử dụng đơn giản, sau khi lắp đặt đã phổ cập cho công nhân sửa chữa tự lập trình được những chức năng cần thiết, chủ động trong công tác sửa chữa.
Có thể nói rằng, năm 2013 công tác quản lý chi phí Cơ điện đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo Tổng Công ty, công ty cùng với sự cố gắng của đội ngũ từ cán bộ làm công tác cơ điện đến bộ phận vận hành, đã quyết tâm tìm tòi nghiên cứu để tăng cường sử dụng các vật tư trong nước gia công và có sẵn góp phần giảm chi phí, giá thành trong năm qua.
Trong năm 2014, công tác quản lý chi phí nói chung và chi phí cơ điện nói riêng chắc chắn còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy Công ty vẫn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong chỉ đạo và tìm các giải pháp để tiết kiệm chi phí, trong đó chi phí cơ điện đặc biệt được quan tâm. Cụ thể Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu tăng cường sử dụng các vật tư gia công trong nước đối với các vật tư có chi phí lớn như các bánh răng hộp số, truyền động cuối, truyền động các đăng… Đẩy mạnh công tác phát huy sáng kiến cải tiến hợp lý hóa trong sản xuất, chỉnh sửa và ban hành các quy chế, định mức khoán chi phí vận hành sát với điều kiện vận hành để tăng cường công tác quản lý và khuyến khích người lao động trong công tác tiết kiệm chi phí. Đặc biệt qua theo dõi những năm gần đây chúng tôi nhận thấy hiện nay trong các khâu sản xuất chính tại Mỏ thì khâu xúc là khâu hiện đang vượt định mức chi phí khoán của Tập đoàn nhiều nhất lên đến 40-50% khoảng 16 tỷ chi phí nhiên liệu trong năm 2013 trên tổng số chi phí cơ điện vượt khoán theo giá thành công đoạn là 23 tỷ trong năm. Để tìm nguyên nhân chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên cùng 1 máy xúc EX-1200 số 2 khi xúc đất đá sau nổ mìn dưới tuyến tiêu hao nhiên liệu đến 0,35 L/m3 nhưng khi di chuyển xúc đất đá tại bãi đổ thải cũ tiêu hao giảm đi 20% còn khoảng 0,275 L/m3 , hay cùng MX ZAXIS 870 số 4 và toàn bộ tổ thợ vận hành được chuyển từ Na Dương về năm 2013 khi xúc trên Na Dương thì mức tiêu hao nhiên liệu là 0,21 L/m3 nhưng khi chuyển về xúc đất đá Khánh hòa thì vẫn máy xúc và nhân lực trong tổ giữ nguyên thì mức tiêu hao là 0,265 L/m3 . Như vậy có thể thấy rằng với cùng chủng loại đất đá nhưng nếu cỡ hạt tơi và đồng đều thì tiêu hao nhiên liệu máy xúc giảm xuống rất nhiều đồng thời năng suất ca máy xúc tăng lên 40%. Do vậy năm 2014 ngoài các giải pháp nêu trên trong công tác quản lý cơ điện thì công ty sẽ tập trung giải quyết nâng cao chất lượng bãi nổ như tăng quy mô bãi nổ, nghiên cứu xem xét tăng chỉ tiêu thuốc nổ cho phù hợp với từng khu vực để phấn đấu đất đá sau khi nổ mìn có độ tơi và đồng đều hơn về cỡ hạt, theo chúng tôi, đây là 1 trong những mấu chốt quan trọng trong vấn đề giảm tiêu hao nhiên liệu cho máy xúc tại Khánh Hòa để góp phần giảm giá thành sản xuất. Với nỗ lực trong công tác quản lý đặc biệt chú trọng đến tiết giảm chi phí trong năm 2014, chúng tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, các phòng ban Tổng công ty cùng các Công ty, đơn vị liên quan để cùng phối kết hợp tháo gỡ và khắc phục những khó khăn chỉ ra các nguyên nhân còn hạn chế làm tăng chi phí tại mỏ. Nếu có được sự phối hợp và tạo điều kiện tốt, chắc chắn việc sử dụng vật tư sản xuất trong nước để thay thế các phụ tùng nhập ngoại sẽ làm cho giá thành rẻ và chủ động được trong công tác chỉ đạo điều hành sản xuất, góp phần vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, tạo đà cho việc phát triển sản xuất các năm tiếp theo.
Ks . Nguyễn Thạc Tân
Công ty than Khánh Hòa